|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bấp bênh đầu ra, nông dân không mặn mà làm rau an toàn

07:26 | 02/07/2017
Chia sẻ
Nhiều hộ dân đã tham gia mô hình sản xuất rau an toàn, nhưng được một thời gian không tham gia nữa vì các HTX này không bao tiêu được sản phẩm.

Thành phố Hà Nội hiện có tổng diện tích đất trồng rau là 12.000ha. Với diện tích này, mỗi năm thu được 600.000 tấn, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Do thói quen sản xuất manh mún, thiếu liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng chưa cao, nên còn rất lâu, rau an toàn mới đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố.

bap benh dau ra nong dan khong man ma lam rau an toan

Diện tích rau an toàn của Hà Nội hiện chỉ có 5.000ha.

Làng Vân Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh là vùng trồng rau nổi tiếng của Hà Nội. Mặc dù người dân cả xã trồng rau, nhưng số người vào hợp tác xã sản xuất rau an toàn chỉ chiếm một phần nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Chín, một người dân địa phương, lý giải: “Nhà tôi nghỉ bao nhiêu ngày mới lại có rau bán, nên mình không dám vào hợp tác xã rau sạch. Nếu mà vào hợp tác xã thì mình phải là chuyên gia về rau, lúc nào cũng phải có rau bán cho người ta. Sau 1 tuần phun thuốc thì mới dám bán ra”.

Còn tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội, bà con cũng không mặn mà với mô hình hợp tác xã. Thậm chí, nhiều hộ dân đã tham gia mô hình sản xuất rau an toàn, nhưng được một thời gian thì không tham gia nữa vì các hợp tác xã này không bao tiêu được sản phẩm cho họ.

bap benh dau ra nong dan khong man ma lam rau an toan

Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu của bà con chưa được kiểm soát chặt.

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Hòa Lương, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín cho biết: “Ở đây họ chưa thu mua hết nên chúng tôi vẫn phải bán ở ngoài. Phải có đầu ra thì chúng tôi mới làm được rau sạch, chứ không có thị trường tiêu thụ ổn định được thì chúng tôi không dám đầu tư vì vốn đầu tư nhiều”.

Tại Hà Nội, ngoài các hộ dân sản xuất trong các hợp tác xã rau an toàn, việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu của bà con chủ yếu theo thói quen mà không được kiểm soát.

Một nông dân ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh đang phun thuốc sâu trên ruộng cải canh, cho biết: “Nếu lần nào nhiều sâu thì 3-4 ngày bơm 1 lần, lần nào ít thì tuần mới phải bơm. Nếu nhiều sâu nhiều mình pha đặc lên một chút, lần nào ít pha theo người ta chỉ dẫn”.

Ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết, hợp tác xã Đông Cao sản xuất trên diện tích 200ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 30.000 tấn rau với hơn 30 loại. Để sản xuất ra sản phẩm an toàn, người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu từ cải tạo đất, bón phân, tưới nước.

Việc sử dụng thuốc trừ sâu phải ghi rõ trong nhật ký. Tuy nhiên, việc tiêu thụ rau của hợp tác xã chủ yếu qua thương lái và bán tại những chợ đầu mối. Chỉ một phần nhỏ là bán được vào siêu thị: “Có một số bà con nói với chúng tôi rằng, chúng tôi nghe hợp tác xã chỉ đạo thì chúng tôi nhất trí, nhưng hàng hóa của chúng tôi ra thị trường thậm chí còn rẻ hơn những người không sản xuất theo quy trình. Đây là việc khó khăn mà chúng tôi không lý giải được với bà con”.

bap benh dau ra nong dan khong man ma lam rau an toan

TP Hà Nội đặt mục tiêu đến 2020 phát triển hơn 16.000ha rau an toàn.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù thành phố có quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, nhưng ở một số địa phương đã không còn phù hợp do tốc độ đô thị hóa. Trong đó, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau của Hà Nội mới chỉ đạt 5.000ha. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thời gian qua còn nhập nhèm về chất lượng, khiến người tiêu dùng thiếu tin tưởng vào tiêu chuẩn này.

Cũng theo ông Đăng, một hạn chế khác trong sản xuất rau an toàn của Hà Nội hiện nay là tại các vùng rau an toàn có loại thừa, có loại thiếu do khâu tổ chức của hợp tác xã chưa tốt: “Người ta ký hợp đồng để mình cung cấp cho người ta nhưng mình lại không đủ hàng để cung cấp, vì vùng của mình nó không thành vùng. Chúng ta cần phải xác định loại rau nào mà thị trường đang cần để sản xuất. Vấn đề của các hợp tác xã hiện nay là không xác định được thị trường nên không kiểm soát được đầu ra, dẫn đến nguy cơ không bán được”.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến 2020 sẽ phát triển hơn 16.000 ha rau an toàn. Trong đó có 151 vùng sản xuất rau tập trung với diện tích hơn 6.600ha. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, thành phố Hà Nội cần có chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho vùng rau an toàn, từ đó tạo thành những vùng chuyên canh có quy mô lớn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu rau sạch của người dân Thủ đô./.

Thành Trung