|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bảo hiểm tàu cá: Ngư dân đề nghị bỏ độc quyền

09:41 | 24/08/2016
Chia sẻ
Dù Bộ Tài chính liên tục khẳng định không có độc quyền bảo hiểm tàu cá nhưng ngư dân cho rằng, họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc chọn đơn vị bán bảo hiểm. Một số chuyên gia kinh tế đề nghị Bộ Tài chính nên tạo cuộc chơi cạnh tranh để chính các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong những ngày qua, đại diện Bộ Tài chính (trực tiếp là ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Bảo hiểm) và ông Phùng Đắc Lộc (Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) liên tục lên tiếng khẳng định không có việc độc quyền trong bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ (ban hành năm 2014 về một số chính sách khuyến khích sản xuất thủy sản). Tuy nhiên, nhiều ngư dân đã trực tiếp tham gia bảo hiểm không đồng ý với quan điểm này.

bao hiem tau ca ngu dan de nghi bo doc quyen
Nhiều ngư dân và chuyên gia kinh tế đều khẳng định có sự độc quyền, “ăn chia” địa bàn trong bảo hiểm tàu cá. Ảnh: Sỹ Lực.

Bộ nói không độc quyền, ngư dân kêu khó

Ông Huỳnh Phi Hùng ở Hòn Rớ, Nha Trang, Khánh Hòa, chủ tàu KH 96292-TS bị chìm nhưng không được bảo hiểm vì thiếu bằng máy trưởng (như Tiền Phong đã phản ánh) cho biết: Sau khi tàu chìm, để mưu sinh, ông đã vay mượn khắp nơi để đóng tàu mới ra khơi.

Lần này, ông Hùng tìm đến Bảo Việt (đơn vị đã không chấp nhận đền bảo hiểm cho ông ở lần chìm tàu trước) mà không phải Bảo Minh - đơn vị “cầm cái” bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 tại Khánh Hòa. Ông Hùng lý giải: Theo kinh nghiệm của ông cũng như các bạn chài mách nhau, Bảo Việt có cơ chế đền bù khi tàu bị hỏng hóc “thoáng” hơn Bảo Minh. Do đó, ông Hùng vẫn quyết bỏ qua các hỗ trợ theo Nghị định 67 (hỗ trợ từ 70 đến 90% tiền bảo hiểm) để mua bảo hiểm của Bảo Việt.

“Nếu ở Khánh Hòa, Bảo Việt có bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67, chúng tôi sẽ mua để có thêm cơ chế hỗ trợ. Vì Bảo Việt không được phụ trách địa bàn này nên chúng tôi cũng chấp nhận bỏ qua các chế độ hỗ trợ để mua của Bảo Việt. Việc phân chia các doanh nghiệp bảo hiểm phụ trách từng tỉnh rõ ràng đang gây khó cho ngư dân chúng tôi”, ông Hùng nói.

Trường hợp thứ hai là anh Trần Xuân Tiến (SN 1981) chủ tàu cá ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Anh Tiến mua bảo hiểm của một doanh nghiệp bảo hiểm B ở Quảng Bình theo một chương trình hỗ trợ khác (Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá xa bờ, có mức hỗ trợ bảo hiểm thấp hơn Nghị định 67). Khi chuẩn bị đóng kỳ cuối cho doanh nghiệp bảo hiểm này, thì nhân viên Bảo Minh (doanh nghiệp được quyền bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 tại Quảng Bình) đến mời mua bảo hiểm tàu cá với mức hỗ trợ 90%. Nghe bùi tai, anh Tiến đã đồng ý. Tuy nhiên, khi tàu anh Tiến bị chìm, Bảo Minh không chi trả.

Một lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Minh cho hay: Sau khi Tiền Phong đăng tải, Bảo Minh đã xin ý kiến Bộ Tài chính và UBND Quảng Bình. Hiện tỉnh Quảng Bình đã có công văn xác nhận ông Tiến thuộc diện được hỗ trợ phí bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 và Bảo Minh sẽ thụ lý và giải quyết bồi thường cho ông.

Câu chuyện của anh Tiến cũng cho thấy, những hệ lụy của việc Bộ Tài chính phân chia địa bàn cho doanh nghiệp bảo hiểm gây nhiều khó khăn cho ngư dân từ khâu chọn nhà bảo hiểm đến khâu đền bù.

Độc quyền vì lợi ích nhóm?

Trong tuyến bài “Bảo hiểm tàu cá: Ai đang trục lợi”, luật sư Trương Thanh Đức (Văn phòng Luật sư Basico) và nguyên đại biểu Quốc hội Lê Nam cho rằng, việc Bộ Tài chính chọn 4 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình (Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và PVI), sau đó lại phân chia mỗi đơn vị “đặc trách” một số địa bàn đã tạo ra cơ chế độc quyền, cần phải nhanh chóng thay đổi.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 23/8, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long cho hay: Ngay từ việc chọn 4 doanh nghiệp được tham gia chương trình bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 cũng thể hiện tính độc quyền. “Chắc gì bốn ông lớn bảo hiểm do Bộ Tài chính lựa chọn đã có chất lượng dịch vụ tốt hơn những doanh nghiệp nhỏ” – ông Long đặt vấn đề.

Việc sau đó, Bộ Tài chính chia cho mỗi doanh nghiệp phụ trách các tỉnh, PGS. TS. Ngô Trí Long khẳng định là tạo ra cơ chế độc quyền. “Không chỉ hạn chế sự lựa chọn của ngư dân mà việc cho mỗi doanh nghiệp phụ trách từng tỉnh còn kìm hãm sự cạnh tranh, vươn lên để có chất lượng dịch vụ tốt hơn của chính các nhà bảo hiểm” - ông Long nói.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, Chính phủ đang trên đà đổi mới mạnh mẽ, tuân thủ triệt để quy trình cạnh tranh (như một quy luật tự nhiên) nên việc xem xét trách nhiệm các cá nhân, tổ chức quyết định sự độc quyền trong bảo hiểm tàu cá là rất cần thiết. “Bảo hiểm tàu cá không chỉ là chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản mà còn là khuyến khích bảo vệ chủ quyền. Vì thế, việc triển khai phải minh bạch. Đằng sau việc tạo ra sự độc quyền chính là cơ chế xin cho; đã là xin cho, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đặt vấn đề nhóm lợi ích ở đây”, ông Long nói.

Theo Sỹ Lực - Lê Hữu Việt

Tiền Phong

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.