Báo động 'chảy máu' khoáng sản tại Bình Phước
Tàu công suất lớn khai thác cát trên thượng nguồn sông Sài Gòn, đoạn xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản. Ảnh: Nhóm PV TTXVN
Việc “chảy máu” khoáng sản ở mức báo động trên địa bàn tỉnh Bình Phước vì nạn khai thác trái phép đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường, làm cho người dân sống trong khu vực bức xúc, lo lắng.
Sạt lở ngày càng trầm trọng
Tại đoạn đầu nguồn sông Sài Gòn, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, nạn hút cát đã diễn ra trong nhiều năm, để lại hệ lụy lâu dài, sạt lở hai bên bờ sông ngày càng ăn sâu. Thực trạng trên là do đoạn sông đang bị khai thác cát quá mức.
Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản do nạn khai thác cát quá mức. Ảnh: Nhóm PV TTXVN
Theo người dân địa phương, Công ty Phú Thọ - đơn vị có giấy phép khai thác đã đưa đội tàu, thuyền với nhiều chiếc có sức chứa từ 60 m3 - 100 m3 hoạt động hút cát từ sáng sớm đến tối mịt tại khu vực xã Tân Hiệp.
Mỗi ngày, các tàu, thuyền hút cát dồn dập, máy chạy hết công suất. Các bãi cát liên tục được đắp cao vút. Xe ben ra, vào tấp nập chở cát đi tiêu thụ.
Nhiều người dân sống trong khu vực chứng kiến tình trạng trên cho rằng, nếu vẫn tiếp tục đà khai thác như vậy, khoáng sản dưới lòng sông Sài Gòn “chảy máu” không biết bao nhiêu mà kể.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, ấp Bàu Lung (xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản) có hai bãi tập kết cát nằm dọc theo bờ sông với nhiều tàu sắt gắn “vòi rồng” hoạt động công khai.
Ngày đêm những tàu công suất lớn chạy ra đoạn bờ sông tại khu vực xã Tân Hiệp nổ máy ầm ầm hút cát.
Cát hút dưới sông lên đổ đống cao như núi. Trên bãi, xe cuốc gom cát đưa lên xe ben chuyên chở đi tiêu thụ hoạt động nhộp nhịp.
Bằng mắt thường cũng có thể thấy đoạn bờ sông Sài Gòn tại xã Tân Hiệp xuất hiện nhiều điểm sạt lở kéo dài hàng trăm mét, tạo nên bờ vực sâu hút. Điều lo lắng hơn, hiện đang là mùa mưa, tốc độ sạt lở trên đoạn sông xã Tân Hiệp ngày càng lớn, ăn sâu dần vào ruộng rẫy của các hộ dân.
Những hầm đất… sâu hút
Trong khi nạn khai thác khoáng sản đang “nóng” dưới sông, thì trên bờ, tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, cũng “nóng” không kém, nhiều hầm đất “sâu hoắm” cả chục mét do bị đào lấy đất từ nhiều năm qua.
Xe chở đất từ các hầm đất tại khu vực thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản. Ảnh: Nhóm PV TTXVN
Tại ấp 3, thị trấn Tân Khai, hiện có nhiều khu đất bị khai thác trái phép, để lại những hố nước sâu nằm sát khu dân cư, trong đó có hố rộng nhiều ha nhưng không có rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm.
Mùa mưa năm nay, tại ấp 3 thị trấn Tân Khai vừa xuất hiện một vụ sạt lở kéo dài, sâu cả chục mét ăn vào hệ thống đường giao thông, đe dọa một khu dân sinh khiến người dân bức xúc.
Khai thác khoáng sản tại tỉnh Bình Phước đang “hấp dẫn” nhiều đối tượng.
Gần đây, hàng chục lò gạch bị đóng cửa tại Bình Dương và Đồng Nai đã “ùn ùn” kéo về mở cơ sở tại hai xã Lộc Hưng và Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước), kéo theo nhu cầu đất sét làm gạch tăng cao chưa từng có; nạn đào đất “lậu” để lấy đất sét ở mức báo động. Có khu đất rộng nhiều héc-ta, qua “cò” chào bán với giá từ 800 triệu – 1 tỉ đồng/ha để đào lấy đất sét làm gạch nung.
Trước thực trạng khai thác đất sét làm gạch trái phép diễn ra ồ ạt ở hai xã Lộc Hưng và Lộc Thịnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lộc Ninh nhiều lần tiến hành kiểm tra và phát hiện 15 điểm khai thác đất sét lậu, trong đó có điểm rộng 2-3 ha.
Theo báo cáo của UBND huyện Lộc Ninh, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác đất sét trái phép, tuy nhiên tình trạng này rất khó kiểm soát. Trên địa bàn huyện có 15 lò gạch do tỉnh cấp giấy phép sản xuất gạch nung.
Các đơn vị này lấy nguồn nguyên liệu ngay trong khuôn viên để sản xuất. Do phân cấp trong quản lý nên huyện chủ yếu lập các đoàn kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị này hoạt động đúng quy định.
Làm việc tại địa bàn huyện Lộc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh đã chỉ đạo UBND huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình khai thác trái phép trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các ngành chức năng, các huyện thực hiện nghiêm việc xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến không phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng rà soát quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh và tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chấp thuận đầu tư các dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ tiên tiến trong sản xuất gạch.
“Chảy máu” mỏ đá ở Đắk Ơ
Trao đổi với báo chí sau khi phát hiện một mỏ đá trên địa bàn khai thác không phép, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Nguyễn Xuân Hoan cho biết sẽ xử lý nghiêm vụ khai thác khoáng sản không phép xảy ra tại mỏ đá ở thôn 6, xã Đắk Ơ. Vụ việc đang được Công an tỉnh Bình Phước thụ lý điều tra, chờ xử lý.
Ông Hoan cho biết thêm: Huyện đã nhiều lần chấn chỉnh hoạt động khai thác đá lậu tại mỏ đá, nhưng hoạt động vẫn tiếp diễn. Theo đó, chính quyền phải phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Phước, vào cuộc.
Theo báo cáo của UBND huyện Bù Gia Mập từ ngày 4/7/2019, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Phước, cùng các cơ quan chức năng, chính quyền huyện Bù Gia Mập đã tiến hành kiểm tra tình hình khai thác đá tại mỏ đá thôn 6, xã Đắc Ơ và phát hiện một “đại công trường” khai thác đá xây dựng trái phép trên diện tích khoảng 5 ha.
Cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Phú Nam và ông Nguyễn Phú Bắc cùng ngụ tại xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, đã có hành vi khai thác khoáng sản (đá xây dựng) trái phép.
Tang vật bị tạm giữ gồm 5 xe tải ben, 7 máy đào bánh xích, 3 máy đào có gắn đầu đục để khai thác đá, 1 dàn máy xay đá, 1 máy phát điện và một khối lượng đá rất lớn đã được khai thác, chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản về hành vi khai thác khoáng sản trái phép đối với ông Nam và ông Bắc; tạm giữ phương tiện, tang vật để xử lý hành vi vi phạm.
Trước đó, ngày 17/5/2019, cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Phú Thảo (anh trai ông Nam và ông Bắc) là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển xây dựng Phú Trung, khai thác cát trái phép tại mỏ đá thôn 6, xã Đắk Ơ và buộc chấm dứt ngay hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với ông Thảo, tổng số tiền 15 triệu đồng; buộc ông Nguyễn Phú Thảo thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác.
Báo cáo của huyện Bù Gia Mập cho thấy, tại khu vực mỏ đá thôn 6, xã Đắk Ơ, tình trạng khai thác trái phép đã tái diễn nhiều lần.
Những vụ việc khai thác lậu đều liên quan đến ba anh em nhà ông Thảo, ông Bắc và ông Nam.
Mỏ đá ở xã Đắk Ơ từng “chảy máu” vì nạn khai thác lậu diễn ra tháng 1/2019. Trong đó, ông Nguyễn Phú Bắc từng bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm 4 triệu đồng vì khai thác trái phép tại mỏ khoáng sản này.