|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội có thể khai thác trên Cổng dịch vụ công quốc gia

10:51 | 19/08/2020
Chia sẻ
Có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kì và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên hệ thống. Đặc biệt, hệ thống dữ liệu này có nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu được cung cấp thường xuyên, liên tục, minh bạch.

Sáng 19/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia (TTBCQG), Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Theo Báo Chính phủ, phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, hành động và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội có thể khai thác trên Cổng dịch vụ công quốc gia - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự lễ khai trương (Ảnh: Quang Hiếu/VGP).

Cụ thể, Chính phủ đã triển khai nhiều hệ thống thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống Thông tin họp và xử lí công việc của Chính phủ (E-cabinet), Cổng DCCQG,...sau gần một năm triển khai xây dựng.

Hiện nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với hệ thống TTBCQG.

Đồng thời, có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kì và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên hệ thống, đặc biệt, hệ thống dữ liệu này có nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu được cung cấp thường xuyên, liên tục, minh bạch, chính xác, bảo mật, nhằm phục vụ tốt hơn công tác tham mưu cho Chính phủ. 

Việc hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành triển khai báo cáo dùng chung, các địa phương chỉ triển khai xây dựng hệ thống đối với các báo cáo phục vụ mục tiêu quản lí đặc thù sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải.

Ngoài ra, đây cũng là kênh thông tin giải quyết mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử.

Tính đến ngày 18/8, Cổng DVCQG đã có hơn 227.000 tài khoản đăng kí; hơn 58 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 246.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG.

Tính trung bình hiện nay mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lí khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lí hơn 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng mới đưa vào vận hành từ tháng 3/2020 nhưng cũng đã xử lí gần 7.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó số lượng giao dịch từ tháng 7/2020 trở lại đây là hơn 4.000 giao dịch.

Đặc biệt, sau hơn 8 tháng vận hành, từ chỗ mới cung cấp 8 dịch vụ công vào thời điểm khai trương (9/12/2019), hôm nay là thời điểm đánh dấu mốc 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng DVCQG.

Cùng với dịch vụ công thứ 1.000 là cấp đăng kí, biển số xe ô tô trực tuyến với số lượng tuân thủ khoảng hơn 4 triệu ô tô, xe máy một năm thì các dịch vụ công về liên thông, dịch vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ phục vụ hơn 780.000 đơn vị sử dụng lao động để đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 14,4 triệu lao động, 12,7 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng tháng.

Minh Hằng

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.