|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường hồ tiêu tháng 5/2023: Sức mua yếu tại Mỹ và châu Âu khiến thị trường hạ nhiệt

06:00 | 28/06/2023
Chia sẻ
Sau chuỗi ngày tăng giá mạnh thì giá tiêu đã có dấu hiệu hạ nhiệt từ tuần cuối cùng của tháng 5 tdo phản ứng dè dặt, giảm đơn hàng từ các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ khi họ cho rằng giá không cạnh tranh và có tâm lý chờ đợi nguồn cung từ vụ thu hoạch sắp diễn ra tại Indonesia và Brazil.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2023 của Việt Nam đã cơ bản kết thúc với sản lượng ước đạt khoảng gần 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm 2022.  

Giá hồ tiêu sau khi tăng mạnh lên mức đỉnh 73.000 – 76.000 đồng/kg trong tuần thứ ba của tháng 5 đã giảm xuống còn 71.000 – 74.000 đồng/kg tính đến thời điểm giữa tháng 6.  

Lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến vào tháng 3-4 là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá hồ tiêu tăng.

Nhưng mức giá này gây phản ứng dè dặt, giảm đơn hàng từ các nhà nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ khi họ cho rằng giá không cạnh tranh và kỳ vọng nguồn cung từ Indonesia vào tháng 7 sẽ giúp thị trường hạ nhiệt. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn từ các năm trước cũng giúp cho các nhà mua từ EU và Mỹ nấn ná lưỡng lự chưa vội tham gia thị trường. 

 Diễn biến giá tiêu đen tại thị trường nội địa từ đầu năm 2022 đến 15/6/2023. (Hoàng Hiệp tổng hợp)

Tiếp tục xu hướng giảm từ năm ngoái, nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ trong những tháng đầu năm nay chậm lại do nhu cầu tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất tăng cao.

Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), trong 4 tháng đầu năm nhập khẩu tiêu của thị trường này đã giảm 21,9% về lượng (6.279 tấn) và giảm 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 16.361 tấn, trị giá 79 triệu USD.

Tương tự thị trường Mỹ, trong quý I/2023 Liên minh châu Âu (EU) chỉ nhập khẩu 18.726 tấn hồ tiêu với trị giá 95,8 triệu EUR, giảm 26,8% về lượng (tương ứng 6.858 tấn) và 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat).

Còn theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, nhập khẩu hồ tiêu của nước này trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 8.767 tấn, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

VPSA dự báo sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường châu Âu và Mỹ tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới khi khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang tiếp diễn.

Mặt khác, khách mua hàng có tâm lý chờ vụ mới từ Indonesia vào tháng 7, với hy vọng giá giảm nên giao dịch từ thị trường EU và Mỹ chưa sôi động và thị trường đang có sự giằng co giữa người mua và người bán.

Người mua cũng cho rằng mức giá hiện nay chưa hấp dẫn, chưa cạnh tranh, cộng thêm tâm lý chờ hàng vụ mới của Indonesia, Brazil có thể đẩy giá xuống. Sau khi hai nước này vào vụ thu hoạch sẽ có đánh giá sát thực tế về vụ mùa để cân nhắc giao dịch.

VPSA khuyến cáo với tâm lý chờ đơn hàng từ thị trường các doanh nghiệp cần tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa, với giá thấp. Nguyên nhân là khi các nước vào vụ giá xuống và khi giá lên không mua đủ để giao xa, gặp rủi ro và tổn thất như đã xảy ra trong vụ mùa 2022, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh.

Trong khi đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán sẽ vẫn tiếp tục tác động lớn đến việc duy trì và chăm sóc vườn tiêu của người nông dân.

Trên thế giới, Không có báo cáo về diện tích tiêu trồng mới ở các quốc gia sản xuất trong khi nhu cầu hồ tiêu vẫn ở mức ổn định. Thêm vào đó, nhiều nông dân trồng tiêu ở các quốc gia sản xuất chính như Việt Nam, Brazil, Indonesia đang dần chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn. Do đó, dự báo sản lượng sản xuất hồ tiêu toàn cầu tiếp tục giảm. Hiện tại thu thập từ hồ tiêu tại Việt Nam thấp nhất so với một số cây trồng khác như cà phê, chanh dây, sầu riêng.

Đánh giá về khả năng hồ tiêu Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn sau khi Campuchia chính thức được cấp phép xuất khẩu tiêu trực tiếp sang Trung Quốc, VPSA nhận định đây là điều không đáng lo ngại vì khối lượng tiêu của Campuchia xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiều.

Hiện tại 90 - 95% lượng tiêu của Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam, sau đó tái xuất sang các nước, trong đó có Trung Quốc. Lượng tiêu được phép xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc không nhiều, nếu có chủ yếu xuất theo công lệnh 248, 249. Các công ty thương mại của Campuchia cũng không nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI .

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đáp ứng các yêu cầu tuân thủ về tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới. Do đó, các doanh nghiệp cần sớm chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu cần thiết trong thời gian tới.

 Xem chi tiết báo cáo thị trường hồ tiêu tháng 5/2023 tại đây:    

 

Hoàng Hiệp, thiết kế: Alex Chu