[Báo cáo] Thị trường hồ tiêu quý II/2024: Giá tăng chưa từng có, căng thẳng cung cầu vẫn hiện hữu
Sản lượng giảm từ Brazil và Việt Nam, hai quốc gia sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới đã đẩy giá tiêu quốc tế liên tục tăng cao trong những tháng đầu năm nay. Đặc biệt, thị trường đã chứng kiến sự biến động chưa từng có trong trong quý II năm nay.
Theo đó, giá tiêu đen xuất khẩu của Indonesia và Brazil đã tăng lần lượt là 93,1% và 2,3 lần chỉ trong thời gian ngắn từ đầu quý II đến giữa tháng 6, còn Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng 70 – 83% trong thời gian kể trên.
Những tuần sau đó thị trường điều chỉnh giảm và có phần ổn định trở lại nhưng vẫn dao động ở mức cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây.
Ở trong nước, giá tiêu cũng chứng kiến mức tăng kỷ lục từ 92.000 - 94.000 đồng/kg từ đầu tháng 4 lên mức đỉnh 180.000 đồng/kg vào ngày 11/6, tương ứng tăng 90% chỉ trong hơn hai tháng và là mức cao nhất trong 8 năm qua. Sau đó giá tiêu điều chỉnh giảm lại về ngưỡng 153.000 – 157.000 đồng/kg vào cuối tháng 6.
Như vậy, tính đến cuối quý II, giá tiêu trong nước đã tăng khoảng 93% so với đầu năm và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số chuyên gia nhận định dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ được thị trường tiếp tục ghi nhận và phản ánh trong thời gian tới cho đến khi giáp hạt.
Tính đến cuối tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 140.000 tấn, chiếm khoảng 83% trong tổng sản lượng dự kiến vào khoảng 170.000 tấn trong năm nay. Như vậy, vẫn còn 7-8 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch mới (dự kiến sau Tết nguyên đán từ tháng 2/2025) trong khi lượng hàng còn trong dân và đại lý, doanh nghiệp không còn nhiều như VPSA nhận định trước đây.
Trong khi đó, sản lượng trong vụ thu hoạch sắp tới của Brazil cũng được cho là sẽ giảm 20 – 25%. Đồng thời, giá cước vận chuyển từ châu Á sang châu Âu đang tăng, hỗ trợ thêm cho thị trường.
Theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak – top 6 xuất khẩu tiêu của cả nước, giá tiêu tăng trong thời gian qua do nhu cầu vượt nguồn cung. Về dài hạn nhu cầu gia vị sẽ ngày càng tăng trong khi tiêu Việt Nam đã đến độ lão hoá và mức giá hiện nay vẫn chưa thể kích thích người dân trồng thêm. Tuy nhiên, rất khó xác định mức giá nào người dân có thể quay trở lại với cây tiêu vì còn phụ thuộc vào giá của các cây đối thủ khác như sầu riêng, chanh leo, cà phê…
Ngay cả khi giá tiêu đạt 100.000 đồng/kg thì vẫn chưa đủ hấp dẫn người dân trồng trở lại bởi nếu so sánh với lợi nhuận thì từ các loại cây khác, đặc biệt là sầu riêng thì thu nhập từ tiêu vẫn thấp hơn nhiều.
Khi so sánh với cà phê, lợi nhuận từ tiêu vẫn thấp hơn bởi việc canh tác cà phê dễ hơn. Còn cây tiêu là thân leo, cực kỳ dễ bị tổn thương. Năng suất trên một đầu cây của cà phê cũng cao hơn nhiều so với tiêu.
Ngoài ra, người dân vừa trải qua cuộc khủng hoảng giá tiêu kéo dài nhiều năm, có lúc giá xuống hơn 30.000 đồng/kg nên họ không có đủ tự tin để trồng lại vào thời điểm này.
Do đó, tồn kho trong 3 – 5 năm tới sẽ tiếp tục giảm. Trong dài hạn giá tiêu khó lòng giảm hơn nữa.
Chi tiết báo cáo thị trường hồ tiêu quý II/2024 tại đây: