|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bản tin thị trường năng lượng ngày 12/5: Một số nước tự nguyện cắt giảm sản lượng cũng không giúp giá dầu đứng vững

18:37 | 12/05/2020
Chia sẻ
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu thô WTI giảm trước những lo ngại về một đợt bùng phát thứ cấp của dịch bệnh COVID-19 trong khi giá dầu thô Brent cũng giảm 2,49% dù một số nước vùng Vịnh tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng.
Bản tin thị trường năng lượng ngày 12/5: Một số nước tự nguyện cắt giảm sản lượng cũng không giúp giá dầu đứng vững - Ảnh 1.

Bản tin thị trường năng lượng ngày 12/5

Dưới đây là phân tích diễn biến thị trường năng lượng toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 11/5:

Saudi Arabia, UAE và Kuwait đồng loạt thông báo việc tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu thô, trên nền mức sản lượng đã cắt giảm theo thỏa thuận của nhóm OPEC+. Theo đó, Saudi Arabia sẽ cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 6, trong khi UAE sẽ cắt giảm thêm 100.000 thùng/ngày, Kuwait sẽ cắt giảm thêm 80.000 thùng/ngày. 

Các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đang chuyển hướng sang sản xuất nhiều dầu diesel hơn so với xăng và nhiên liệu máy bay trong bối cảnh tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay suy giảm do người dân hạn chế đi lại nhưng hoạt động vận tải hàng hóa vẫn diễn ra bình thường. 

Tuy nhiên việc chuyển hướng sản xuất này đang đẩy lợi nhuận biên của dầu diesel xuống thấp. Lợi nhuận biên của nhiên liệu chưng cất chỉ còn ở mức 13 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2016, theo dữ liệu của Refinitiv. 

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể phục hồi theo hình chữ V nhưng nhu cầu nhiên liệu máy bay có thể sẽ phải mất ít nhất 2 năm để có thể phục hồi do nhu cầu công tác của các doanh nghiệp sụt giảm. 

Tồn kho khí gas tự nhiên được dự báo sẽ kết thúc giai đoạn tích trữ từ tháng 4 đến tháng 10 vào khoảng 31/10 ở mức kỉ lục 4.099 tỉ feet khối do nhu cầu suy giảm vì dịch bệnh trước khi các nhà cung cấp có thể cắt giảm sản lượng. 

Tồn kho cuối kỳ tích trữ trong năm 2019 ở mức 3.762 tỉ feet khối, trung bình 5 năm ở mức 3.816. Mức cao nhất lịch sử đang là 4.013 vào năm 2016.

Giá dầu thô WTI kì hạn tháng 6 giảm 2,43% trước những lo ngại về một đợt bùng phát thứ cấp của dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh các nền kinh tế đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Giá dầu thô Brent kì hạn tháng 7 giảm 2,49%. Thông tin một số nước vùng Vịnh tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu thô cũng không giúp giá dầu giữ vững mốc khởi điểm.

Giá khí gas tự nhiên kì hạn tháng 6 tăng nhẹ 0,16% khi sự hỗ trợ từ thông tin có thêm các công ty dầu đá phiến cắt giảm sản lượng bị hạn chế bởi dự báo thời tiết ấm áp khiến nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm giảm.

Giá xăng RBOB kì hạn tháng 6 giảm 2,94% theo đà giảm của giá dầu thô, bất chấp việc hoạt động kinh tế tại nhiều nơi vẫn đang được khôi phục.

Chi tiết bản tin thị trường năng lượng ngày 11/5:




Linh Giang