Bản tin thị trường gạo tuần 20/2019: Thái Lan lo ngại mất cạnh tranh vì giá gạo xuất khẩu cao hơn Việt Nam, Ấn Độ
Cụ thể, dữ liệu tổng hợp từ Reuters cho biết giá gạo 5% tấm của Thái Lan không đổi ở mức 385 - 400 USD/tấn (FOB) trong tuần này. Tuy nhiên, so với Việt Nam và Ấn Độ, giá gạo Thái Lan vẫn cao hơn vì đồng baht Thái Lan là đồng tiền tệ mạnh nhất ở châu Á trong năm nay.
Điều này khiến các thương nhân Thái Lan lo ngại gạo Thái Lan đang mất khả năng cạnh tranh.
Tại Ấn Độ, giá gạo 5% tấm đạt khoảng 362 - 365 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 371 - 374 USD của tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ 6 liên tiếp vì đồng rupee mất giá.
Giá lúa basmati cũng đang giảm khoảng 5% so với hai tuần trước xuống 47 rupee/kg, vì giới thương nhân và các công ty chờ sự rõ ràng hơn từ chính phủ về cơ chế thanh toán xuất khẩu sang Iran.
Ngành gạo Ấn Độ đã yêu cầu chính phủ ban hành hướng dẫn để chắc chắn các khoản thanh toán đối với gạo xuất khẩu sang Iran sẽ được bảo đảm trong bối cảnh Mỹ chấm dứt lệnh miễn trừ nhập khẩu dầu thô Iran của Ấn Độ.
"Thị trường cho thấy sự sụt giảm 5% kể từ ngày 22/4 cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù các nhà xuất khẩu có hàng tồn kho. Giá có thể tiếp tục giảm trong những ngày sắp tới nếu chúng ta không rõ về nhu cầu của Iran", ông Rejesh Paharia, một thương nhân ngũ cốc tại Delhi, cho biết.
Ảnh minh hoạ.
Giá gạo 5% của Việt Nam cũng giảm trong tuần này, xuống 355 USD/tấn vào thứ Năm (16/5), so với 365 USD một tuần trước đó, với dự báo dự trữ gạo sẽ tăng khi đợt thu hoạch sớm của vụ Hè Thu sẽ bắt đầu vào cuối tháng này.
Ngoài ra, tại Hội thảo hợp tác thương mại gạo giữa Việt Nam - Trung Quốc diễn ra tại thành phố Long Xuyên (An Giang) hôm 9/5, hai công ty xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang là Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời và Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương đã kí 5 biên bản ghi nhớ với các thương nhân nhập khẩu gạo của Trung Quốc với tổng lượng gạo là 84.000 tấn/năm.
Một thương nhân tại TP HCM nhận định Trung Quốc đã mở cửa trở lại đối với gạo Việt Nam, tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa dễ dàng tăng doanh số bán hàng sang Trung Quốc vì một số rào cản kỹ thuật còn tồn tại.
Trên thị trường thế giới, nguồn cung gạo trong năm nay cho đến 2020 được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong 13 năm vì tiêu dùng vượt quá sản xuất khi có thêm nhiều quốc gia dự kiến sẽ chuyển sang dùng gạo là lương thực chính.
Kết luận này nằm trong báo cáo mới nhất của Mạng thông tin nông nghiệp toàn cầu (GAIN), với nguồn cung gạo toàn cầu ước đạt 499,9 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 495 triệu tấn trước đó.
Tương tự, tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,5% lên 489,5 triệu tấn, với Philippines được coi là người đóng góp cho xu hướng này, với dự báo nguồn cung gạo địa phương dồi dào và hoạt động nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn.
Sau khi thông qua Luật tự do hóa nhập khẩu gạo, theo đó bãi bỏ quy định về buôn bán gạo, GAIN dự báo nhập khẩu của Philippines sẽ tăng 200.000 tấn lên 2,8 triệu tấn.
Tính đến ngày 1/4, tổng lượng gạo dữ trữ tại Philippines tăng 20,5% so với một năm trước lên 2,63 triệu tấn, với Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) ghi nhận sự gia tăng về hàng tồn kho, Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho biết .
Giá lúa, gạo tại đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2/5 - 9/5:
Loại lúa/gạo | Giá ngày 2/5 (đồng/kg) | Giá ngày 9/5 (đồng/kg) |
Lúa tươi tại ruộng | ||
Hạt dài | 5.250 – 5.500 | 4.950 – 5.500 |
Hạt thường | 4.600 – 4.775 | 4.600 – 4.775 |
Lúa khô/ướt tại kho | ||
Hạt dài | 5.450 – 6.800 | 5.450 – 6.800 |
Hạt thường | 4.800 – 5.700 | 4.800 – 5.900 |
Gạo Nguyên liệu | ||
Lứt loại 1 | 6.825 – 8.300 | 6.875 – 8.300 |
Lứt loại 2 | 6.750 – 6.850 | 6.700 – 6.950 |
Xát trắng loại 1 | 7.750 – 9.700 | 7.950 – 9.800 |
Xát trắng loại 2 | 7.800 – 7.925 | 7.850 – 8.000 |
Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam