|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ban soạn thảo cần kỹ năng xây dựng luật khoa học, khả thi, minh bạch

06:03 | 22/08/2019
Chia sẻ
Qua câu chuyện đang thu hút dư luận về việc bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng Ban Pháp chế của Tập đoàn Vingroup, có tên và sau đó xin rút khỏi danh sách Nhóm chuyên gia trong kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, có thể nhận thấy mối quan tâm của cộng đồng đang tập trung vào việc những yêu cầu và kỹ năng cần thiết cho thành viên ban soạn thảo luật; sao cho bảo đảm luật có tính công bằng, khả thi, đồng thời giảm thiểu sự can thiệp không lành mạnh của các nhóm lợi ích vào chính sách, chủ trương.

Trên thực tế, một bộ luật có nội dung như thế nào, được thông qua hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội - cơ quan lập pháp của đất nước. Các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm xem xét, cân nhắc và bỏ phiếu thông qua từng điều luật, từng nội dung cụ thể. 

Nếu điều luật nào tỷ lệ bỏ phiếu thông qua ít, thì dù trong dự thảo có "hay" cỡ nào, cũng sẽ không được thành luật chính thức. 

Điều này phần nào cho thấy thành viên ban soạn thảo luật đến từ đâu không quá quan trọng, mà quan trọng hơn cả là những người này phải giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm và kỹ năng xây dựng luật.

Ban soạn thảo cần kỹ năng xây dựng luật khoa học, khả thi, minh bạch - Ảnh 1.

Một trong những yêu cầu quan trọng của những người xây dựng luật, đơn cử Luật Đất đai, là kỹ năng soạn thảo luật, để bảo đảm dự thảo luật có tính chặt chẽ, khoa học, khả thi và minh bạch. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Pháp luật là công cụ để nhà nước điều hành và quản lý, điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Như vậy, việc soạn thảo và ban hành một bộ luật, hay sửa đổi một bộ luật đang có, là dựa trên nhu cầu thực tiễn của đất nước, của nền kinh tế - xã hội.

 Trong đó, vai trò của pháp luật là bảo đảm sự công bằng giữa mọi cá nhân, mọi thành phần; tạo hành lang pháp lý để xây dựng và phát triển đất nước. 

Khi luật có những điểm bất cập, chưa đầy đủ rõ ràng, tạo ra những điểm vướng mắc, sự trì trệ hay bất công ... thì cần phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.

Như vậy, nội dung một bộ luật như thế nào, hay nói cách khác là chủ trương chính sách của quốc gia về một vấn đề như thế nào - là do Quốc hội quyết định, chứ không phụ thuộc những người trong ban soạn thảo luật. 

Ban soạn thảo chỉ có trách nhiệm xây dựng luật về mặt kỹ thuật, theo những nguyên tắc, định hướng đã được quyết từ trước đó.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực pháp luật về đất đai, những vấn đề quan trọng và có tính tác động mạnh mẽ như: Có chấp nhận quyền sở hữu tư nhân hay không, hay vẫn giữ là sở hữu chung do Nhà nước thống nhất quản lý như hiện nay? Nguyên tắc trong đền bù, hỗ trợ khi người sử dụng đất bị thu hồi, giải tỏa như thế nào?... 

Đây là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội có quyền đề đạt và sẽ bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua. 

Các thành viên trong ban soạn thảo sẽ xử lý về mặt kỹ thuật, xây dựng bố cục điều luật, canh chỉnh câu chữ... trên nguyên tắc bảo đảm thể hiện đúng ý chí của những "nhà làm luật" - chính là các đại biểu Quốc hội. 

Sau khi bộ luật được ban hành, căn cứ theo ý chí của Quốc hội, có thể Chính phủ sẽ ban hành thêm các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện luật ...

Thực tế, hiện nay các dự án luật thường được giao cho cơ quan hành chính (các bộ hoặc liên bộ) xây dựng bản dự thảo trước, rồi sau đó mới đưa ra Quốc hội để xem xét, thông qua. Trình tự này cho thấy nhiều điểm chưa ổn, xuất phát trong thành phần ban soạn thảo luật.

Xin lấy trường hợp của Bộ luật Hình sự năm 2015. Dù đã được Quốc hội thông qua năm 2015 với tỷ lệ rất cao, nhưng ngay sau đó lại phát hiện trong bộ luật này có đến hàng trăm lỗi về kỹ thuật, và Quốc hội phải ra Nghị quyết hoãn thi hành. Sau đó đến năm 2017, Quốc hội lại phải bỏ phiếu, thông qua Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015. 

Chính điều này cho thấy sự bất cập và yếu kém trong công tác soạn thảo luật của ban soạn thảo. Đồng thời cũng cho thấy thấy điểm hạn chế trong kỹ năng thẩm định và thông qua luật của các đại biểu Quốc hội.

Như vậy, để những luật mới được ban hành, cho dù trong quá trình soạn thảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm", thì phải được thông qua và sau đó biểu quyết bởi đại biểu Quốc hội. 

Cho nên, các đại biểu Quốc hội phải làm đúng trách nhiệm, vị trí của mình - là đại biểu của nhân dân/địa phương, phải phản bác hay đề nghị chỉnh sửa những nội dung bất ổn, thiếu công bằng hoặc có yếu tố bị can thiệp không lành mạnh bởi các nhóm lợi ích trong dự thảo.

Mặt khác, mọi bộ luật nói chung đều do con người xây dựng và thông qua, thế nên tất yếu sẽ luôn tồn tại những mục đích mang tính chủ quan về lợi ích cho các nhóm khác nhau trong xã hội. 

Chẳng hạn như đối với luật đất đai, thì sẽ có những nhóm lợi ích khác nhau trong qua trình thực thi luật: đó là người sử dụng đất, doanh nghiệp kinh doanh đất, người nước ngoài thuê đất ... Chính điều này cho thấy thành phần và cơ cấu về tỷ lệ của đại biểu trong Quốc hội là rất quan trọng. 

Nếu vì lý do nào đó, mà các đại biểu Quốc hội quyết định liên kết với nhau, đại diện cho quyền lợi của một nhóm nào đó trong xã hội - thì cho dù không đồng ý, nhóm thiểu số vẫn sẽ đành phải thua. Và khi luật đi vào cuộc sống do chưa hoàn thiện, sẽ xuất hiện nhu cầu phải chỉnh sửa, bổ sung.

Tóm lại, một trong những yêu cầu quan trọng của những người xây dựng luật là kỹ năng soạn thảo luật, để bảo đảm dự thảo luật có tính chặt chẽ, khoa học, khả thi và minh bạch, để khi trình ra Quốc hội, các đại biểu thấy rõ những đặc tính này, và biểu quyết.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khả năng thẩm định pháp luật của các đại biểu Quốc hội còn có sự hạn chế, như trong trường hợp Bộ luật Hình sự 2015 nói trên, cũng như nhiều bộ luật chỉ mới ban hành được vài năm đã phải sửa đổi, bổ sung, nên chăng khi xây dựng luật, thành phần ban soạn thảo cũng nên theo nguyên tắc công bằng về tỷ lệ giữa các thành phần liên quan mà trong dự luật có điều chỉnh. 

Chẳng hạn như đối với Luật sửa đổi Luật Đất đai lần này, thì nên có đại diện của hội nông dân chẳng hạn?

Ls. Trần Hồng Phong

Chủ tịch Dragon Capital: Lần cuối cùng có thương vụ IPO đình đám đã 6 năm trước
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói thương vụ IPO đình đám gần nhất đã diễn ra từ năm 2018, tại Diễn đàn M&A 2024.