Bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đồng loạt tăng trong tháng Tết
Các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị chủ động dự trữ hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. |
Cả doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đều tăng
Theo Tổng cục Thống kê, dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị chủ động dự trữ hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng một ước đạt 330.300 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng một đạt 252.700 tỷ đồng, tăng 7% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành hàng phục vụ Tết tăng khá hơn mức trung bình các tháng trong năm. Cụ thể, lương thực, thực phẩm tăng 10% so với tháng trước; may mặc tăng 8%; phương tiện đi lại tăng 8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6% và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng này ước đạt 37.300 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Kiên Giang, Hà Nội, Đà Nẵng.
Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu của một số địa phương tăng cao như TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của yếu tố mùa vụ và xu hướng đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết ở một bộ phận dân cư.
Doanh thu dịch vụ khác tháng Một ước tính đạt 36.900 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Giá hàng hóa ít biến động dịp Tết
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, hàng loạt các siêu thị, cửa hàng của Hapro, Fivimart, Vinmart… đã đồng loạt mở cửa đón khách ngay từ ngày mùng 1 Tết. Một số doanh nghiệp cung ứng thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt gà, rau củ) đã tăng cường các phương tiện vận chuyển trong dịp này.
Theo đại diện Hapro, từ trong Tết Nguyên đán đến hết ngày 12/2, hệ thống tập trung cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng điện máy, đồ gia dụng, thời trang, các sản phẩm ăn uống, giải khát. Bởi nguồn cung dồi dào nên đến thời điểm này, các sản phẩm bán tại Hapro vẫn không có sự thay đổi về giá so với trước Tết.
Tại các chợ dân sinh, giá một số mặt hàng hoa quả lễ tăng nhẹ từ 1.000đ - 5.000đ/kg. Trong ngày mồng 1, mồng 2 Tết, nhân dân chủ yếu tập trung đi lễ, chúc tết nên thị trường trầm lắng, không có biến động.
Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, tính đến ngày 31/1 (mồng 4 Tết Đinh Dậu) tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa tại thủ đô vẫn ổn định, không có tình trạng khan hiếm, thiếu hàng cục bộ hay tăng giá đột biến.