|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bắc Kinh quay lưng, Australia vẫn đều đặn chuyển hàng trăm nghìn tấn than đến Trung Quốc

08:56 | 15/05/2021
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, bất chấp lệnh cấm nhập khẩu than không chính thức của Trung Quốc, các công ty khai thác mỏ tại Australia vẫn đều đặn chuyển một lượng than đến đất nước tỷ dân. Song, tàu cập bến nhưng không hề được thông quan.

Theo SCMP, từ đầu năm 2021 đến nay, các công ty khai thác than của Australia vẫn thường xuyên vận chuyển một khối lượng than nhất định đến Trung Quốc, bỏ qua lệnh cấm nhập khẩu không chính thức của Bắc Kinh với than Australia. Tuy nhiên, các lô hàng đến cảng nhưng không được thông qua.

Một số nhà phân tích cho biết các công ty Australia đang hi vọng Trung Quốc ít nhất sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đối với than nhiệt trước giai đoạn sản xuất điện cao điểm vào mùa hè, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy điều này có thể xảy ra.

Bắc Kinh quay lưng, Australia vẫn đều đặn chuyển hàng trăm nghìn tấn than đến Trung Quốc - Ảnh 1.

Kho than tại cảng Newcastle ở New South Wales. (Ảnh: AFP).

Hơn nữa, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Canberra ngày càng xấu đi, triển vọng tan băng cho mối quan hệ song phương dường như khá xa vời.

Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp trong nước không được nhập khẩu than của Australia, khiến hàng chục tàu chở hàng phải lênh đênh ngoài khơi. Trong những tháng sau đó, một số tàu cập cảng để thủy thủ đoàn lên bờ, dù hàng hóa không được thông qua; một số tàu khác thì chuyển hướng đến Việt Nam,...

Bí ẩn những chuyến hàng chở than rời Australia

Vào tháng 2 năm nay, dữ liệu vận tải biển cho thấy 180.000 tấn than cốc đã rời cảng Hay Point ở Queensland, một trong các bến than quan trọng của Australia, đến Trung Quốc. Theo công cụ theo dõi Vesseltracker của Wood Mackenzie, hải quan Australia đã ghi lại thông tin các chuyến hàng này.

Công ty thương mại hàng hóa Argus Media cũng phát hiện hai tàu chở 75.000 tấn than nhiệt rời cảng Newcastle tại New South Wales hồi tháng 2. Hai tàu này dự kiến đến các cảng Hạ Môn và Bá Khư Nguyên của Trung Quốc.

Cuối tháng 1, công ty phân tích dữ liệu Kpler cho biết có chuyến hàng hàng chở 41.000 tấn than cốc đang trên đường đến cảng Dương Phố ở Thượng Hải.

Than cốc thường được sử dụng trong luyện thép, trong khi than nhiệt được dùng để sản xuất điện, SCMP thông tin.

Theo các nhà phân tích, chưa có lô hàng nào đã được dỡ xuống hoặc thông quan, trong khi dữ hiệu hải quan mới nhất của Trung Quốc cho thấy đất nước tỷ dân không nhập khẩu than Australia từ tháng 12 năm ngoái.

Chuyên gia phân tích Jo Clarke của Argus Media nói rằng bà cũng đã quan sát thấy một số tàu thuyền của Australia cập cảng Trung Quốc vào tháng 2, nhưng chủ yếu là cho thủy thủ đoàn lên bờ chứ không phải đưa than lên đất liền.

Nhà phân tích Jingtai Lun của Argus Media nói thêm: "Một số thương nhân Trung Quốc đoán rằng các cảng có thể thông quan một số chuyến hàng để đáp ứng nhu cầu than tăng mạnh trong mùa hè. Song, điều này là không thể vì Bắc Kinh đã tạm dừng đối thoại kinh tế với Australia".

Bắc Kinh quay lưng, Australia vẫn đều đặn chuyển hàng trăm nghìn tấn than đến Trung Quốc - Ảnh 2.

Tuần trước, xung đột chính trị giữa hai đối tác thương mại lâu năm leo thang nghiêm trọng khi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đình chỉ vô thời hạn các cuộc Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc - Australia với Canberra vì đất nước châu Đại Dương bất hợp tác.

Một số người coi động thái trên như một sự trả đũa mang tính tượng trưng của Bắc Kinh sau khi Canberra hủy bỏ hai thỏa thuận của bang Victoria trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc hồi tháng trước.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Australia đã bày tỏ lo ngại rằng quyết định của Bắc Kinh sẽ làm xói mòn niềm tin của các công ty Australia đang hợp tác với Trung Quốc, từ đó gây tổn hại hơn nữa đến dòng chảy thương mại.

Nếu Trung Quốc tiếp tục chặn các tàu chở than của Australia, giá than có thể tăng vọt tương tự như giá quặng sắt hoặc giá thép, đặc biệt là khi Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn đang bơm hàng nghìn tỷ USD kích thích tài khóa vào nền kinh tế. Giữa tuần này, giá quặng sắt đã chạm mức kỷ lục mới là hơn 230 USD/tấn.

Song, lạm phát giá cả ở Trung Quốc - phần lớn liên quan đến chi phí nhập khẩu hàng hóa cao hơn, sẽ giảm trong nửa cuối năm nay mà không cần có các biện pháp kiểm soát từ chính quyền Bắc Kinh, Capital Economics và Morgan Stanley nhận định.

Theo Phó Giáo sư Shi Xunpeng tại Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc, lệnh cấm nhập khẩu than vẫn là một điểm còn vướng mắc giữa hai nước, nhưng dù sao trong tương lai nhập khẩu than của đất nước tỷ dự kiến sẽ giảm vì Trung Quốc đang đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Ông Shi nói, Australia sẽ phải sẵn sàng cho một thực tế bình thường mới, khi nhiều nước từ Hàn Quốc đến Nhật Bản theo đuổi mục giảm phát thải khí nhà kính và than là một trong các mặt hàng gây ô nhiễm nhất.

Nghiên cứu gần đây của Wood Mackenzie chỉ ra, các nhà khai thác than đã cảm thấy áp lực khi bị giám sát và buộc phải chịu trách nhiệm với môi trường. Bên cạnh thuế carbon và giá than ngày càng cao, thương mại than có thể suy yếu theo thời gian.

Khả Nhân