Ba vật cản ngáng trở nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm
Chỉ số S&P 500 chỉ còn cách mức cao nhất mọi thời đại một chút, các chuyên gia Phố Wall đang rút lại các dự báo tiêu cực, và nhà đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất.
Tờ Markets Insider cho biết tất cả lý do trên đang thúc đẩy thị trường phản ánh vào giá khả năng cao rằng Mỹ sẽ thoát khỏi nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, UBS tin rằng nền kinh tế vẫn sẽ phải vượt qua một số trở ngại trước khi có thể tránh được kết cục không hay.
Trong báo cáo tháng 8, các chuyên gia UBS nói rằng thị dữ liệu thị trường lao động và lạm phát cho thấy xác suất nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm đã gia tăng, và kịch bản đó cũng ngày càng được phản ánh vào các thị trường tài chính.
Báo cáo viết: “Chúng tôi nhận định rằng sự gia tăng của các vị thế gắn với kịch bản kinh tế khả quan, sự suy yếu của hoạt động kinh tế bên ngoài nước Mỹ, và nguy cơ lạm phát trở nên dai dẳng trở lại là ba thách thức chính đến lập luận nền kinh tế hạ cánh mềm.
Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao những rủi ro trên. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, Mỹ sẽ vượt qua được chúng, do đó việc thiết lập vị thế trên thị trường chứng khoán để chuẩn bị cho kịch bản hạ cánh mềm vẫn là chiến lược hấp dẫn”.
Vật cản đầu tiên Mỹ cần vượt qua là định giá cổ phiếu, đặc biệt là sự mất cân bằng giữa những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất và những chứng khoán khác. UBS cho rằng định giá trên thị trường cần trở nên cân bằng hơn để nền kinh tế hạ cánh mềm.
Chứng khoán Mỹ đã đi lên mạnh mẽ trong những tháng qua, nhưng mức tăng chủ yếu tập trung vào một số cổ phiếu ngành công nghệ. Và định giá của chúng cao hơn hẳn phần lớn các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình khác.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II của Mỹ tích cực hơn dự đoán của các nhà phân tích và các doanh nghiệp cũng công bố dự báo lạc quan cho thời gian tới. Trong bối cảnh này, cổ phiếu có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng thu nhập thực tế cho người lao động, niềm tin của người tiêu dùng và triển vọng lợi nhuận cho các công ty.
Tuy nhiên, động lực trên không thể tự mình lèo lái nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Vật cản thứ hai là hoạt động kinh tế yếu ớt tại các khu vực bên ngoài nước Mỹ. Theo UBS, sản xuất công nghiệp và chế tạo trên toàn cầu đang bị đình trệ, và điều này có thể tác động tiêu cực đến Mỹ.
UBS chỉ ra: “Trong quá khứ, các ngành có tính chu kỳ cao là chỉ báo trước cho những gì sẽ xảy ra với phần còn lại của nền kinh tế. Và nếu điều này là đúng, sự yếu kém của ngành sản xuất trên toàn cầu sẽ lan sang các khu vực khác của nền kinh tế - và cuối cùng sẽ đè nặng lên Mỹ”.
Điều kiện cuối cùng để nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm là lạm phát hạ nhiệt - cụ thể là trong tăng trưởng tiêu dùng danh nghĩa và tiền thuê nhà. Các yếu tố cấu thành lạm phát lõi như giá vé máy bay, nhiên liệu và dịch vụ ăn uống cũng là những chi tiết đáng chú ý có thể định đoạt kết cục của nền kinh tế.
Bất kỳ rắc rối nào trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến chống lạm phát đều có thể sẽ hạn chế số lần cắt giảm lãi suất mà Fed có thể thực hiện trong năm 2024. Và chính sách tiền tệ có tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, những khó khăn trong “chặng cuối” của cuộc chiến chống lạm phát “nhiều khả năng cũng sẽ liên quan tới sức bền bỉ của hoạt động kinh tế. Đây chính là kiểu bối cảnh đòi hỏi các quan chức ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ chút ít để duy trì tăng trưởng kinh tế và đưa lợi nhuận doanh nghiệp đi lên”.