|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ba nguyên nhân khiến nông sản Việt 'được mùa mất giá'

14:30 | 07/06/2022
Chia sẻ
Điệp khúc "được mùa mất giá", "giải cứu nông sản" là những vấn đề được nhắc đến trong nhiều năm qua của ngành nông nghiệp.

 Các điểm giải cứu nông sản được thấy ở nhiều nơi. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Chia sẻ tại tọa đàm "Chỉ dẫn đỏ" số thứ 3, ông Đỗ Minh Thịnh, Chủ Nông trại Vitamin, cho rằng có ba nguyên nhân khiến vấn đề “được mùa mất giá” tồn tại rất lâu nhưng chưa có giải pháp phù hợp.

Đầu tiên đó là yếu tố mùa vụ. Ở những nơi chuyên canh, dễ xảy ra tình trạng được mùa mất giá, nếu không tìm được đầu ra đủ lớn.

Ngoài ra, việc chế biến nông sản chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là bán sản phẩm thô. Bởi với sản phẩm thô, việc đóng gói, bảo quản hoặc vận chuyển đi xa rất khó khăn.

Một nguyên nhân khác là đầu ra sản phẩm vẫn phụ thuộc vào thương lái, thay vì bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam là Trung Quốc nhưng qua hai năm đóng cửa đường biên giới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc xuất khẩu khó khăn đã dẫn đến những đợt giải cứu như giải cứu thanh long, khoai lang hay vải thiều…

Đồng quan điểm, ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam cũng cho rằng nông dân Việt Nam đang quá phụ thuộc vào thương lái và chợ đầu mối. “Người nông dân muốn sản phẩm được bán cho người tiêu dùng, nhưng chính bản thân họ cũng không biết giá cả thế nào là hợp lý”, ông Bình nói.

Xu hướng bán nông sản online

Thời điểm COVID-19 căng thẳng, nông sản không thể tiêu thụ được, thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện trào lưu livestream bán nông sản trên mạng.

Ông Bình cho rằng việc livestream hay bán hàng thông qua bên vận chuyển chuyên nghiệp sẽ giúp hàng hóa của nông dân đến với người tiêu dùng một cách an toàn, đảm bảo tính vẹn toàn của toàn bộ chuỗi.

Cũng có cái nhìn khá tích cực về việc bán hàng nông sản online, ông Lâm Thế Khải, Giám đốc Sản phẩm UPOS Việt Nam cho biết trước đây, khi bán nông sản qua trung gian, người nông dân sẽ khá bị động về giá cả.

Tuy nhiên, qua kênh bán hàng online, người nông dân có thể đưa nông sản trực tiếp đến tay người tiêu dùng, mà không thông qua đội trung gian này.

Bên cạnh đó, người nông dân có thể điều chỉnh mức giá làm sao bằng hoặc thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường một chút. Và, việc điều chỉnh này có nhiều lợi ích cho các bên.

Với nông dân, sự chênh lệch mức giá này sẽ được đưa thẳng đến tay người nông dân. Nhờ đó, nông dân có cuộc sống tốt hơn, mở rộng sản xuất. Việc bán hàng online giúp nông dân đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh và đảm bảo chất lượng.

Còn với người tiêu dùng, họ có rất nhiều lợi ích khi lựa chọn mua trên kênh bán hàng online này, các mặt hàng nông sản có thể có chất lượng và giá phải chăng hơn.

Hoàng Anh