Ba năm liên tiếp đồng yen hoạt động yếu kém nhất G10
Theo chỉ số tiền tệ Nikkei, đồng yen của Nhật Bản năm thứ ba liên tiếp là đồng tiền hoạt động yếu kém nhất trong các đồng tiền của 10 quốc gia giàu có (G10), trong bối cảnh Nhật Bản là quốc gia duy nhất duy trì chính sách lãi suất âm.
Đồng yen của Nhật Bản được giao dịch ở mức khoảng 141,40 yen/USD tính đến tối ngày 29/12, theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố, giảm khoảng 7% so với mức cuối năm 2022. Tỷ giá trung bình yen/USD là 140 yen/USD trong năm nay, mức yếu nhất kể từ năm 1990.
Đồng franc Thụy Sỹ là đồng tiền mạnh nhất trong nhóm G10 năm thứ hai liên tiếp, tiếp theo là bảng Anh và đồng euro. Các đồng tiền của Thụy Điển, Australia, Canada, New Zealand và Na Uy cũng được nâng hạng.
Đồng yen đã từng chạm mức cao nhất năm 2023 (so với đồng USD) hồi tháng 1/2023, đạt 127,2 yen/USD.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm đã vượt 5% trong tháng 10/2023, mức cao nhất trong 16 năm. Khi chênh lệch lợi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng nới rộng, đồng yen đã chạm mức 152 yen đổi 1 USD trong tháng 11/2023, mức thấp nhất trong 33 năm.
Tỷ giá hối đoái thực tế của đồng yen (có tính đến lạm phát, khối lượng thương mại và các yếu tố khác) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 8/2023. Mức thấp nhất trước đó là vào tháng 8/1970, khi đồng tiền này được giao dịch ở tỷ giá cố định 360 yen đổi một USD. Điều này cho thấy sức mua của Nhật Bản đã suy giảm.
Trong năm 2024, Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất và BoJ có thể chấm dứt chính sách lãi suất bằng 0. Hầu hết các chuyên gia theo dõi thị trường tin rằng chênh lệch lãi suất sẽ thu hẹp, và dẫn đến đồng tiền của Nhật Bản tăng giá vừa phải.
Hầu hết các dự báo cho thấy đồng tiền của Nhật Bản vẫn yếu đi so với đồng USD, so với mức 110 yen/USD được ghi nhận hồi tháng 3/2022, trước chu kỳ tăng lãi suất của Fed.