|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bà Lê Diệp Kiều Trang kể chuyện bán Misfit, rời Facebook ... và đầu quân cho Go-Viet

16:44 | 13/05/2019
Chia sẻ
Sau một thời gian làm việc cho các Tập đoàn tài chính, chuyển qua làm startup, và đầu quân cho Facebook, bà Lê Diệp Kiều Trang theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ với điểm đến mới là Go-Viet.

Sau một thời gian chia tay vị trí Giám đốc điều hành Facebook Việt Nam, tháng 4 năm nay, bà Lê Diệp Kiều Trang đã chọn Go-Viet là điểm dừng chân mới.

Trong một sự kiện cho Startup Grind tổ chức mới đây, tân CEO Go-Viet đã chia sẻ một phần về con đường sự nghiệp: từ lúc làm việc tại các Tập đoàn tài chính như HSBC, Công ty tư vấn McKinsey, chuyển sang làm startup, cho đến khi đầu quân cho các công ty công nghệ lớn như Facebook và Go-Viet.

Bà Lê Diệp Kiều Trang kể chuyện bán Misfit, rời Facebook ... và đầu quân cho Go-Viet  - Ảnh 1.

Bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ tại một sự kiện do Startup Grind tổ chức, diễn ra vào ngày 12/5. Ảnh: Tuệ An.

Đằng sau câu chuyện bán startup Misfit

Năm 2011, ông Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ) cùng các đồng sáng lập cho ra đời Misfit Wearables, startup cung cấp thiết bị đeo công nghệ theo dõi sức khoẻ. Một thời gian sau, Lê Diệp Kiều Trang đã rời công việc tại McKinsey, đồng hành cùng chồng là Sonny Vũ trong chặng đường khởi nghiệp.

Nhìn lại hành trình lần đầu tiên làm startup với Misfit, Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ: "Khác với làm việc cho các Tập đoàn lớn, làm startup có nhiều cái không thể dự đoán trước. Ban đầu, mình không hình dung rằng sẽ tới một lúc Misfit sẽ phát triển tới như vậy. Lúc đấy, suy nghĩ đơn giản là làm hết sức mình, cơ hội tới thì nắm lấy - cờ tới tay thì phất".

Thời điểm Misfit gọi vốn cộng đồng (crowfunding) trên Indegogo với con số huy động 100 triệu USD, chỉ sau 10 tiếng công ty đã đạt được mục tiêu. Điều này giúp đội ngũ của Misfit nhận thấy rõ sự đón nhận của thị trường đối với dòng thiết bị đeo công nghệ theo dõi sức khỏe. 

Năm 2015, Misfit được bán lại cho Tập đoàn Đồng hồ Fossil Group với giá 260 triệu USD và Kiều Trang giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam.

Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ về quyết định bán lại Misfit cho Tập đoàn Fossil: "Khác với cách suy nghĩ truyền thống, người sáng lập sẽ gắn bó suốt đời và truyền doanh nghiệp lại cho con cháu, tại thế giới của Thung lũng Silicon, suy nghĩ đó không tồn tại".

Nữ giám đốc nhận định, trong lĩnh vực công nghệ, "sản phẩm chỉ là sản phẩm", thể hiện cho công nghệ đằng sau.

"Nhiều người cho rằng việc bán lại Misfit là đáng tiếc khi Misfit còn có nhiều cơ hội trong thị trường, nhưng mỗi người có những đam mê cá nhân. Trong lĩnh vực công nghệ, tôi cũng như nhiều người muốn tạo ra các công nghệ mới có sức ảnh hưởng hơn thay vì chỉ ngồi nâng cấp một sản phẩm. Quyết định bán lại Misfit là hợp lý vì Tập đoàn Fossil có thể giúp phát triển sâu hơn dòng sản phẩm này".

Sau khi Misfit về một nhà Tập đoàn Fossil, một số nhân viên của công ty đã tiếp tục ở lại với đam mê phát triển sản phẩm về thiết bị đeo tay sức khoẻ. Bên cạnh đó, nhiều người đã cùng với Sonny Vũ tách ra để theo đuổi giấc mơ phát triển các công nghệ mới. 

Quá trình làm việc tại Facebook

Sau khi bán lại Misfit và sau đó là rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành Tập đoàn Fossil Việt Nam, Lê Diệp Kiều Trang đầu quân cho Facebook Việt Nam ở cương vị Giám đốc điều hành trong thời gian gần một năm.

Lê Diệp Kiều Trang nhắc đến Facebook với một sự hào hứng về sản phẩm của "gã khổng lồ" này tiếp cận và chi phối đến cuộc sống của nhiều người như thế nào. "Khi lượng người dùng cao, giá trị của một nền tảng là rất hấp dẫn. Có thể tưởng tượng rằng có nhiều người cùng tập trung trong một khu chợ. Bạn có nhiều điều để làm và sáng tạo trên nền tảng đó".

Điều mà bà Kiều Trang hứng thú trong công việc ở Facebook là việc phát triển mảng bán hàng trên mạng xã hội (social commerce), với rất nhiều giao dịch vi mô tạo nên cơ hội việc làm và kinh doanh cho những người buôn bán nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, bà một lần nữa chia sẻ nguyên nhân gia đình khiến bà không tiếp tục được công việc ở Facebook.

Bà Lê Diệp Kiều Trang kể chuyện bán Misfit, rời Facebook ... và đầu quân cho Go-Viet  - Ảnh 2.

Bà Lê Diệp Kiều Trang nói về quá trình làm việc tại Facebook. Ảnh: Tuệ An.

Khởi đầu mới tại Go-Viet

Sau Facebook, điểm đến mới của Lê Diệp Kiều Trang là Go-Viet (thuộc Go-Jek), cũng là một nền tảng phát triển dựa trên Internet và có sức ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân. Bà nhận định, công nghệ chính là lời giải cho bài toán kết nối người mua dịch vụ và người bán dịch vụ.

CEO Go-Viet chia sẻ, nhìn vào sự thành công của Go-Jek (công ty mẹ của Go-Viet) ở thị trường quê nhà Indonesia, họ tập trung vào những nhóm lao động thu nhập thấp và những người buôn bán nhỏ lẻ. Go-Jek xoay quanh mảng xe máy chứ không phải xe hơi như những dịch vụ gọi xe khác, và phát triển các mảng dịch vụ phát sinh xung quanh.

Ngoài gọi xe, ở Indonesia, những chiếc xe máy giao đồ ăn của Go-Food len lỏi mọi ngóc ngách vào những giờ kẹt xe, thúc đẩy tiêu dùng ăn uống tại thị trường. Bên cạnh đó, Go-Jek có Go-shopping, đi chợ hộ giúp người dân, cùng các dịch vụ đi kèm khác như Go-Beauty, Go-Masage, Go-Clean. Ở Việt Nam, những dịch vụ này sẽ được triển khai và tạo ra hệ sinh thái có ý nghĩa đối với cộng đồng, bà cho biết.

Dưới góc nhìn về các công ty công nghệ phát triển dựa trên Internet như Go-Jek, Tiki, …, Lê Diệp Kiều Trang tin rằng Đông Nam Á sẽ còn hút về nhiều nguồn vốn từ thị trường quốc tế.

Thị trường Đông Nam Á với 700-800 triệu dân, đa phần là dân số trẻ, tỉ lệ sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao, giá data rẻ. Ba năm gần đây, đặc biệt là năm 2018, Indonesia là khu vực thu hút nhiều nguồn vốn nhất. Trong thời gian này, Indonesia xuất hiện ba "kì lân" (starup giá trị trên 1 tỉ USD): Go-Jek, Traveloka, Tokopedia nhờ vào khoản tiền khổng lồ kêu gọi được. Khả năng hút vốn của Indonesia đặt ra câu hỏi không chỉ cho doanh nghiệp mà cho những nhà làm chính sách, Lê Diệp Kiều Trang nhận định.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam với dân số 100 triệu người chỉ xếp sau Indonesia, cùng với lợi thế đội ngũ kĩ sư có chuyên môn, bà tin rằng Việt Nam có cơ hội hơn so với các nước như Phillipines, Thái Lan… để phát triển các công ty trong lĩnh vực Internet. 

Tuệ An