|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ba kịch bản cho VN-Index trong tháng 7

12:02 | 09/07/2023
Chia sẻ
Theo TPS, xét về mặt định giá, thị trường đã không còn sự hấp dẫn như giai đoạn trước đây để thu hút sức mua đột biến. Dựa trên biến động của VN-Index tại ngưỡng cản này và áp dụng lý thuyết Elliott Wave, TPS đưa ra ba kịch bản cho thị trường trong tháng 7.

Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 7 công bố mới đây của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), sau quá trình phục hồi đầy mạnh mẽ, P/E trailing của VN-Index hiện ở quanh mức 13,24 lần, vẫn thấp hơn mức P/E trung bình 5 năm là 15,x nhưng đã tăng hơn so với mức định giá 12,x trong giai đoạn tháng trước.

Cùng với đó, mức định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngang bằng với nhiều chỉ số lớn trong khu vực như Trung Quốc (14,5x), Indonesia (14,8x), Malaysia (15,x). Đặc biệt, cao hơn nhiều so với thị trường cận biên (9,2x) và cả thị trường mới nổi (13,1x).

Lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của các doanh nghiệp niêm yết giảm 18,3% so với cùng kỳ, qua đó đưa định giá của VN-Index lên trừ 1 độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm gần nhất.

Cùng với đó, chỉ số PMI có tháng thứ 4 liên tiếp nằm dưới mức 50 cùng việc xuất khẩu suy yếu đang báo hiệu về kết quả kinh doanh quý II/2023 vẫn sẽ gặp khó khăn và điều này có tác động khiến định giá của thị trường chung tiếp tục tăng cao.

Nguồn: TPS,Research, Fiiinpro.

 

Cho triển vọng nửa cuối năm 2023, kịch bản cơ sở của TPS vẫn giữ nguyên dự báo VN-Index dao động trong khoảng 1.150 - 1.210 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 5% cho cả năm.

 

 

Theo quan điểm của nhóm phân tích, triển vọng thị trường trong nửa cuối năm đã tích cực hơn so với giai đoạn trước khi VN -Index bứt phá khỏi trendline giảm dài hạn bắt đầu từ tháng 4/2022 và thành công kiểm định lại lực cầu tại đây để tiến vào xu hướng tăng.

Hiện tại, mặc dù VN-Index đã vượt được vùng cản 1.120 - 1.130 điểm nhưng đà tăng của chỉ số đã bắt đầu suy yếu cùng thanh khoản sụt giảm khi sự thận trọng gia tăng sau thời gian dài tăng giá gần 11%.

Cùng với đó, xét về mặt định giá, thị trường đã không còn sự hấp dẫn như giai đoạn trước đây để thu hút sức mua đột biến. Vì vậy, dựa trên biến động của VN-Index tại ngưỡng cản này và áp dụng lý thuyết Elliott Wave, các nhà phân tích của Chứng khoán Tiên Phong đưa ra ba kịch bản cho thị trường trong tháng 7 như sau:

 

 Nguồn: TPS

Với kịch bản cơ sở, thị trường có thể sẽ chững lại đà tăng chuyển sang biến động sideway trong vùng 1.100 - 1.150 điểm khi dòng tiền mua mới trở nên thận trọng và đứng ngoài quan sát kết quả kinh doanh quý II/2023 dần được công bố trong tháng 7.

Trong kịch bản tích cực, với diễn biến lãi suất điều hành đang có chiều hướng giảm dần, kết hợp với yếu tố tỷ giá, lạm phát được kiểm soát, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển sang nơi có tỷ suất sinh lời kỳ vọng cao hơn, trong đó chứng khoán là sự lựa chọn tiềm năng.

Diễn biến này giúp thị trường tiếp tục thu hút dòng tiền mới tìm về, qua đó nối dài sóng tăng 3 với mục tiêu là vùng giá quanh mức 1.200 điểm.

Kịch bản tiêu cực, rủi ro sẽ đến từ các việc như sự mất giá của VND trong bối cảnh Fed khả năng cao sẽ có 2 lần nâng lãi suất trong năm 2023 (mỗi lần 25 điểm cơ bản) cùng việc chênh lệch lãi suất qua đêm giữa VND và USD đang rất lớn, cùng với đó kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vốn hóa lớn không đạt kỳ vọng sẽ gia tăng áp lực bán.

Tuy nhiên, mặt bằng định giá hiện nay của thị trường vẫn chưa ở mức cao như những giai đoạn tăng nóng 2017 - 2018 hay 2021. Do đó, thị trường khó xảy ra cú sụt giảm mạnh. Trong kịch bản này, VN-Index sẽ có khả năng điều chỉnh về quanh mức hỗ trợ 1.020 điểm, tương ứng với vùng đáy tháng 2 và 3/2023.  

 

Thu Thảo