|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ba động lực cho giá phân bón leo thang trong quý III

22:41 | 19/08/2022
Chia sẻ
BSC cho rằng giá nguyên liệu leo thang, căng thẳng Nga – Ukraine và việc Trung Quốc, Nga tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón là những yếu tố hỗ trợ giá phân bón trong quý III.

Trong báo cáo thị trường phân bón quý III, CTCK BIDV (BSC) dự báo kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp phân bón sẽ tiếp tục khả quan nhờ giá bán ure cao, sản lượng tiêu thụ cải thiện.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu leo thang, căng thẳng Nga – Ukraine và việc Trung Quốc, Nga tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón là những yếu tố hỗ trợ giá phân bón trong quý III.

Cụ thể, BSC cho rằng chi phí sản xuất phân bón vẫn ở mức cao, trong đó giá khí tự nhiên và amonia có xu hướng tiếp tục tăng, còn giá than đá tại Trung Quốc đã hạ nhiệt song vẫn cao so với cùng kỳ 2021.

Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp nhằm hạ nhiệt giá than tại quốc gia này như giảm thuế nhập khẩu than về 0% từ tháng 5/2022 đến tháng 3/2023.

Đồng thời, tăng cường dữ trự than bằng nguồn nhập khẩu than từ Nga với mức giá chiết khấu mạnh so với giá than thế giới do các lệnh trừng phạt đối với than đá, Nga chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ.

 (Nguồn: BSC)

Hiện tại, giá than tại thị trường Trung Quốc đã điều chỉnh khoảng 20% so với đỉnh hồi giữa tháng 6 sau khi quốc gia này đẩy mạnh nhập khẩu than của Nga. Tuy nhiên giá than hiện tại vẫn cao 45% so với đầu năm.

Còn giá khí tự nhiên và amonia lại tăng mạnh do xung đột giữa Nga – Ukraine. Do các lệnh trừng phạt, Nga tiến hành giảm mạnh lượng khí đốt cung cấp cho EU khiến giá khí đốt tăng mạnh, đặc biệt là khu vực Châu Âu. Giá khí tự nhiên tại Châu Âu đã tiếp tục tăng 36% tháng trước và 379% so với đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại khi xung đột Nga – Ukraine duy trì căng thẳng.

Trước đó, sau khi tạo đỉnh vào tháng 4, giá phân bón đã hạ nhiệt trong ba tháng tiếp theo. Tại ngày 30/06, giá ure giao dịch quanh ngưỡng 515 USD/tấn, giảm 44% từ mức đỉnh tháng 4 và giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân là Trung Quốc nới lỏng chính sách cho phép xuất khẩu phân bón trở lại khi cao điểm mùa vụ tại Trung Quốc đã qua. Đồng thời, Nga không áp hạn ngạch hạn chế xuất khẩu trong tháng 6 và quốc gia này cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và Nam Mỹ với giá bán thấp hơn 30% mặt bằng giá thế giới.

(Nguồn: BSC) 

Cùng đà giảm, giá ure nội địa cũng giảm 20% từ mức đỉnh và giảm 15% so với đầu năm, xuống còn 14.650 đồng/kg. Dù vậy, mức giá này vẫn cao hơn 23% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng, giá ure ở mức 16.980 đồng/kg, cao hơn 45% so với trung bình năm 2021.

Giá phân bón trong nước đi xuống do giá gạo ở mức thấp, giá phân bón mùa cao điểm bón phân vụ Hè thu leo thang khiến nông dân giảm lượng sử dụng phân bón.

BSC cho rằng nhu cầu phân bón phục hồi trong quý III khi bước vào vụ lúa chính trong năm. Giá gạo 5% tấm Việt Nam hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 412 USD/tấn, tăng 7% so với vùng đáy tháng 3, thúc đẩy diện tích gieo cấy lúa vụ Đông Xuân (vụ chính trong năm) và hỗ trợ cho nhu cầu phân bón, đặt biệt là ure.

Hoàng Anh