Bà chủ 7X tiếp tục chơi lớn sau thương vụ lãi trăm tỷ từ bán dự án điện mặt trời
CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam Việt ngày 3/12 vừa qua thông báo đã phát hành thành công 600 tỷ đồng trái phiếu với kì hạn 10 năm, ngày đáo hạn 3/12/2030, thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam (NSN) có trụ sở tỉnh Bình Định, được thành lập tháng 4/2018. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện; xây dựng công trình công nghiệp, thủy điện.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, vốn điều lệ đăng kí ban đầu của NSN là 100 tỷ đồng, trong đó cổ đông sáng lập là bà Trần Thị Hương Hà (sinh năm 1975) và ông Lê Đức Thoa mỗi người nắm 40%, bà Trần Thị Thùy Trang sở hữu 20%.
Ông Thoa là người đại diện pháp luật thời điểm thành lập. 8 tháng sau, công ty chuyển trụ sở từ tỉnh Gia Lai về Bình Định và chuyển tên người đại diện pháp luật sang bà Hà.
Tháng 7/2019, tức hơn 1 năm sau khi công ty thành lập, vốn điều lệ của công ty tăng lên 300 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu lúc này là bà Hà nắm đến 80%, ông Thoa sở hữu 18,33% và bà Trang nắm 1,67%.
Theo công bố mới nhất hồi tháng 6/2020, công ty đã thay đổi vốn điều lệ về còn 200 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của bà Hà và ông Thoa lần lượt là 163,3 tỉ đồng và 33,3 tỷ đồng, bà Trang lúc này góp 1,67% vốn của công ty.
Nguồn tin riêng của chúng tôi cho thấy, tính đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn và vốn chủ sở hữu của công ty là 199,7 tỷ đồng.
Năng lượng tái tạo Việt Nam Việt hiện là chủ đầu tư của dự án Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Hiệp tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (Bình Định) với diện tích hơn 58,27 ha.
Dự án có công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, được cấp chủ trương đầu tư vào tháng 1/2019. Dự kiến vận hành chạy thử vào 20/11/2020; hoàn thành và hòa mạng lưới điện quốc gia ngày 20/12/2020.
Tuy nhiên, 11 tháng sau, tức tháng 12/2019, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định số 4613 về việc thu hồi chủ trương đầu tư dự án trên. Lý do UBND tỉnh đưa ra là nhà đầu tư không phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và không thực hiện ký quỹ cam kết đầu tư theo quy định.
Đến tháng 5/2020, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản số 3292 đồng ý cho Năng lượng tái tạo Việt Nam Việt tiếp tục triển khai dự án.
Đồng thời, Tỉnh cũng yều công ty cam kết tiến độ theo từng tháng, không được chuyển nhượng dự án dưới bất kỳ hình thức nào trong quá trình triển khai xây dựng, ký quỹ cam kết đầu tư,...
Nếu đến hết tháng 8/2020, công ty không khởi công xây dựng sẽ thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.
Nói thêm về chủ đầu tư dự án Điện mặt trời Mỹ Hiệp, ngoài vai trò là đại diện và sở hữu vốn lớn tại CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam, bà Hà còn là đại diện loạt doanh nghiệp trong chuỗi công ty thành viên của CTCP Tập đoàn Wealth Power Group Vietnam gồm CTCP Thương Mại và Xây dựng Đoàn Sơn Thủy, CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thuỷ, CTCP Tập đoàn Wealth Power Việt Nam, CTCP Năng lượng BS Việt Nam, CTCP Thương mại Du lịch Thanh Toàn Paragon.
Đáng chú ý, đầu tháng 12 vừa qua, CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thuỷ, một công ty khác cũng do bà Hà làm người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc đã thu lãi "khủng" hàng trăm tỷ đồng so với vốn góp ban đầu khi công ty Gunkul Engineering Public Co., Ltd (Thái Lan) mua lại toàn bộ dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II với giá khoảng 925 tỉ đồng.