|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ba cách 'kiếm tiền' của ngành dệt may

08:27 | 05/11/2017
Chia sẻ
Tiến sĩ Võ Trí Thành- Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chưa bao giờ trong lịch sử, Việt Nam có thế trận hội nhập tốt như từ cuối năm 2015 trở lại đây. Ngành dệt may hoàn toàn có thể tận dụng những lợi thế này.
ba cach kiem tien cua nganh det may

Ngành dệt may có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế từ FTA

Thế trận hội nhập tốt nhất trong lịch sử

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, từ cuối năm 2015 đến nay, Việt Nam đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì thế, FTA của Việt Nam bao phủ khắp các thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc...

"Chưa bao giờ Việt Nam có nhiều đối tác đến như vậy. Việt Nam đang có thế trận hội nhập tốt nhất trong lịch sử. Nhiều thông tin cho biết, FTA Việt Nam - EU sẽ được thực thi vào khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, mở ra những cơ hội vô cùng lớn"- ông Võ Trí Thành nói.

Vậy làm thế nào để ngành dệt may khai thác được các cơ hội hiện có? Ông Võ Trí Thành gợi ý, có 3 cách để ngành dệt may "kiếm tiền" trong bối cảnh hiện nay. Một là khai thác các thị trường Việt Nam đã ký kết FTA để tận dụng thuế suất ưu đãi 0%.

Đây là cách đơn giản nhất, nhưng điều kiện cần là hàng dệt may Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về nguyên tắc xuất xứ.

"Với thị trường EU, dệt may có thể nhập vải từ Hàn Quốc để tận dụng ưu đãi thuế. Về thị trường, Nga là thị trường đầy tiềm năng nhưng hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 4,3 tỷ USD/năm, bằng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mỗi năm. Vậy tại sao ta không khai thác?

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) 11 cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Nếu được ký kết, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 thấp nhất cũng đạt 2 tỷ USD sang thị trường này, đồng thời tạo việc làm cho 2 triệu lao động"- ông Võ Trí Thành thông tin.

Hiện nay, trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam đang ở đáy chuỗi, mặc dù gần đây các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất len, vải sợi... nhưng ta còn yếu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể chen chân vào khâu thiết kế mẫu mã. Đây là "cách kiếm tiền" thứ hai. Cuối cùng, theo ông Võ Trí Thành, doanh nghiệp nên khai thác thế mạnh về phân phối để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngành dệt may đang chuyển hướng tích cực

Đồng quan điểm cho rằng ngành dệt may đang đứng trước rất nhiều cơ hội, PGS. TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương đánh giá: "Gần đây, ngành dệt may đang có những chuyển hướng tích cực.

Trong đó, đáng chú ý là các doanh nghiệp đã chuyển từ các thành phố lớn về nông thôn để khai thác lực lượng lao động trực tiếp tại địa phương. Thêm vào đó, hàng loạt dự án trong ngành đã được triển khai để doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi từ FTA".

Chẳng hạn như riêng năm 2016, Tập đoàn dệt may Việt Nam đã khởi công 41 dự án. Trong đó có 9 dự án sợi, 9 dự án dệt nhuộm, 17 dự án nhà máy may, 6 dự án nâng mức đầu tư.

Thông qua đó, ngành dệt may đổi mới để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà hiện nay các doanh nghiệp còn rất yếu.

Cũng theo vị chuyên gia này, bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên đầu tư cho thị trường trong nước.

"Nhu cầu hàng dệt may của thị trường nội địa ước tính đạt 4-5 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức"- ông Phạm Tất Thắng khuyến nghị.

Hà Linh