|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Australia kỳ vọng sản xuất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021

21:10 | 05/06/2020
Chia sẻ
Việc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 hiện đã được triển khai tại một số quốc gia trên thế giới.
Australia kỳ vọng sản xuất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Việc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 hiện đã được triển khai tại một số quốc gia trên thế giới.

Các nhà khoa học Australia kỳ vọng vào cuối năm 2021 sẽ có thể sản xuất được khoảng 100 triệu liều vaccine phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (UQ) hợp tác với hãng dược phẩm CSL thành công trong chương trình điều chế vaccine.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, một thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Queensland, Tập đoàn CSL và Liên minh Đổi mới Phòng chống Dịch bệnh (CEPI) vừa được ký kết, sau khi các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về một loại vaccine ngừa COVID-19 của UQ đã cho một kết quả sớm với nhiều khả quan và đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Australia.

Dựa trên thỏa thuận này, CSL và CEPI sẽ tài trợ để UQ tiến hành thử nghiệm vaccine trên cơ thể người, dự kiến bắt đầu vào tháng Bảy tới.

Tuyên bố chung của QU, CSL và CEPI cho biết, mặc dù sẽ phải qua một số mốc cần thiết trước khi vaccine có thể được công nhận là thành công, nhưng CSL tin tưởng rằng công nghệ sản xuất tiên tiến của tập đoàn sẽ có thể đạt được quy mô sản xuất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021.

Trong thời gian tới, CSL sẽ ký hợp đồng với các nhà sản xuất toàn cầu khác để tăng số lượng sản xuất vaccine và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm.

Trao đổi với báo giới, nhà nghiên cứu của UQ Paul Young cho biết hiện đã có 120 ứng cử viên tình nguyện tham gia đợt thử nghiệm đầu tiên, với mục đích kiểm tra độ an toàn của vaccine và theo dõi tác động đối với hệ miễn dịch.

Sau khi thử nghiệm lần một kết thúc, các thử nghiệm tiếp theo sẽ nhân rộng số ứng cử viên lên từ 800 – 1.000 người. Tiến sỹ Young hy vọng kết quả cuối cùng sẽ đạt được vào giữa năm 2021 và tiến tới sản xuất đại trà vaccine vào cuối năm 2021, kịp thời giúp thế giới chấm dứt nỗi lo về đại dịch COVID-19.

Dự kiến, thử nghiệm đầu tiên dự kiến diễn ra ở thành phố Brisbane, bang Queensland, song các thử nghiệm tiếp theo sẽ cần phải được thực hiện ở nơi có đông người nhiễm virus SARS-CoV-2 để kiểm tra được chính xác hiệu quả của vaccine.

Việc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 hiện đã được triển khai tại một số quốc gia trên thế giới. Vaccine do UQ phát triển sử dụng nguyên tắc "kẹp phân tử" - một công nghệ được cấp bằng sáng chế của UQ.

Nghiên cứu này dựa trên một tế bào “xương sống” trong vaccine, có thể điều chỉnh nhanh chóng để chống lại các mầm bệnh thông qua cơ chế gắn vào các chuỗi di truyền hoặc kết nối protein.

Sau khi được đưa vào cơ thể, vaccine sẽ giúp kích thích phản ứng miễn dịch và chống lại sự xâm nhập của virus SAR-CoV-2. Trong quá trình thử nghiệm trên cơ thể người, một chất tăng cường sẽ được thêm vào với mục đích tăng hiệu quả cho vaccine.

Nếu thử nghiệm thành công, việc sản xuất vaccine quy mô lớn ban đầu sẽ được thực hiện tại trụ sở sản xuất công nghệ sinh học của Tập đoàn CSL, đóng tại thành phố Melbourne, bang Victoria.

Trước đó, CSL và UQ từng hợp tác thành công trong điều chế vaccine chống ung thư cổ tử cung - một công trình nghiên cứu kéo dài 15 năm. Tập đoàn CSL cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới tiến hành sản xuất đại trà vaccine phòng bệnh cúm lợn vào năm 2009, cung cấp tới 21 triệu liều vaccine cho Australia.

Cùng ngày, Đại học Tây Australia thông báo một loại thuốc tiên phong do Công ty Dimerix thuộc đại học này phát triển sẽ được đưa vào thử nghiệm toàn cầu trong điều trị bệnh nhân bị Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) khi mắc COVID-19.

Thuốc này được đặt tên là DMX-200, được lựa chọn đưa vào chương trình thử nghiệm REMAP-CAP điều trị những người nhập viện được xác nhận mắc hoặc nghi mắc COVID-19. Những bệnh nhân này có triệu chứng rối loạn chức năng phổi cấp tính điển hình do phản ứng miễn dịch với virus.

Mặc dù ảnh hưởng lâu dài của bệnh COVID-19 chưa được biết rõ, một số người lo ngại bệnh có thể dẫn đến tổn thương cấp tính, chẳng hạn xơ phổi mãn tính, tương tự Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

DMX-200 được phát triển như một liệu pháp giúp giảm tổn thương từ các tế bào bị viêm bằng cách ngăn chặn các tế bào đó phát tín hiệu và hạn chế khởi phát hiện tượng xơ hóa, do đó thuốc này cũng có thể điều trị cho bệnh nhân bị ARDS khi mắc COVID-19 theo cách tương tự.

REMAP-CAP là chương trình thử nghiệm quốc tế do một mạng lưới các chuyên gia, viện và nhóm nghiên cứu điều hành và dự kiến tiến hành thử nghiệm đối với hơn 7000 bệnh nhân từ hơn 200 địa điểm khắp châu Á Thái bình dương, châu Âu và Bắc Mỹ.

Diệu Linh - Phương Oanh