|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Australia và kế hoạch thoát Trung hậu COVID-19

12:48 | 31/05/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đang khiến kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng do sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, trong đó Australia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn.
Australia và kế hoạch thoát Trung hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân tại Sydney, Australia ngày 10/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các hoạt động thương mại quốc tế của quốc gia này phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, với 1/3 lượng hàng xuất khẩu có chung điểm đến là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các biện pháp cải thiện hậu đại dịch đều đang được Canberra tính toán và Ấn Độ có thể trở thành một trong các giải pháp hiệu quả.

Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài viết của tác giả Adil Calder đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA), trong đó xem xét khả năng Ấn Độ trở thành quốc gia thay thế Trung Quốc trong quá trình “thoát Trung” của Canberra thời điểm hậu COVID-19.

Ấn Độ và Australia đang có mối quan hệ tốt cả về kinh tế và chiến lược. Trong bối cảnh đó, sự gia tăng thương mại giữa hai bên sẽ làm tăng cường quan hệ, đồng thời giảm bớt sự tổn thương về kinh tế và chính trị của Australia đối với Trung Quốc.

Theo kế hoạch ban đầu, tháng 1/2020 là thời điểm Thủ tướng Australia Scott Morrison dự kiến có chuyến thăm tới New Delhi để hồi sinh các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận kinh tế Australia-Ấn Độ, song chuyến đi đã bị tạm hoãn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng cháy rừng tại Australia.

Theo thống kê từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), trao đổi thương mại song phương Australia-Ấn Độ đã tăng từ 13,6 tỷ USD của năm 2007 lên 30,4 tỷ USD vào năm 2018. 

Ngoài ra, các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước cũng đã bắt đầu từ tháng 5/2011 và cho đến nay đã trải qua 9 vòng đàm phán, lần gần nhất bắt đầu từ tháng 9/2015.

Mặc dù đến nay cuộc gặp giữa Thủ tướng Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chưa được sắp xếp, nhưng trước những thách thức kinh tế do tác động của COVID-19, các cuộc đàm phán song phương giữa hai nước nhiều khả năng sẽ sớm được nối lại trong tương lai gần.

Kinh tế Australia những năm vừa qua đã có sự phát triển ấn tượng với gần 30 năm không rơi vào suy thoái, song nền kinh tế này phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra. Sự phụ thuộc đó có thể khiến Australia gặp tổn thương nếu kinh tế Trung Quốc có vấn đề.

Sự phụ thuộc kinh tế quá lớn của Australia vào Trung Quốc là điểm tựa vững chắc để Bắc Kinh sẵn sàng gây khó dễ với đối phương nếu Canberra muốn đưa ra những chính sách không vừa ý.

Tháng 8/2019, thị trường chứng khoán Australia sụt giảm mạnh do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Mặc dù không phải bên trực tiếp của cuộc chiến này, nhưng Australia vẫn chịu tác động lớn.

Ở một số khu vực nhất định của cuộc chiến, Australia vẫn có lợi ích song đây chỉ là những lợi ích ngắn hạn so với hậu quả dài hạn nghiêm trọng. Các cựu quan chức kinh tế cấp cao của cả Australia và Mỹ đều tin rằng nền kinh tế nước này sẽ phải chịu tác động nặng nề vì sự đối địch thương mại.

Về mặt chính trị, sự phụ thuộc về kinh tế cũng khiến Australia rơi vào tình thế khó xử giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Chính quyền của Thủ tướng Morrison buộc phải cân bằng quan hệ với quốc gia mà nước này phụ thuộc nhiều vào kinh tế cho xuất khẩu quan trọng, và một bên là quốc gia mà Australia dựa vào sự hỗ trợ an ninh và quốc phòng đồng thời cũng là đồng minh quan trọng nhất của đất nước.

Để thoát khỏi vòng xoáy của cuộc chiến Mỹ-Trung, Australia cần tăng cường khả năng cạnh tranh bằng cách mở rộng cơ hội thị trường xuất khẩu. Hiện tại, hoạt động thương mại Australia phụ thuộc vào một số lượng hàng hóa tối thiểu cho một số ít đối tác thương mại quan trọng.

Do đó, nước này cần đa dạng hóa các đối tác thương mại và mở rộng cơ sở xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ có thể là một điểm đến tiềm năng.

Ấn Độ hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ năm của Australia và là một thị trường tiềm năng cho các nhà xuất khẩu nước này trong việc hướng tới sự đa dạng hóa đối tác. Dự kiến đến năm 2027, dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc.

Đến năm 2030, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và lớn thứ hai vào năm 2050. Thời điểm năm 2030, dự kiến Ấn Độ có thể sẽ ngang tầm Trung Quốc khi trở thành thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các quốc gia chọn lựa.

Tuy nhiên, thị trường Ấn Độ có các rào cản thương mại cao và môi trường kinh doanh chưa quá năng động, đặc biệt trong các lĩnh vực như triển khai hợp đồng và đăng ký tài sản. Do đó, một thỏa thuận kinh tế song phương sẽ giúp làm giảm bớt các trở ngại cho các nhà xuất khẩu Australia.

Bên cạnh quan hệ kinh tế, Australia và Ấn Độ thời gian gần đây cũng có những điểm chung về lợi ích chính trị chiến lược. Không như Trung Quốc, Ấn Độ có nhiều điểm chung với Australia hơn. Từ thể chế chính trị, cùng là các thuộc địa cũ của Anh và tiếng Anh cũng là ngôn ngữ ngoại giao chính.

Những điểm chung này sẽ giúp tạo lợi thế trong việc đảm bảo liên lạc ngoại giao giữa hai chính phủ, điều mà Australia không có được trong quan hệ với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ với các chuyến thăm song phương cấp cao nhất của hai nước thời gian qua.

Australia cũng sẽ không bị rơi vào thế phải lựa chọn khi ủng hộ Ấn Độ trong những vấn đề liên quan đến quốc gia này.

Mặc dù Ấn Độ đang thể hiện tầm quan trọng ngày càng lớn hơn đối với Australia, nhưng Australia trước mắt vẫn phải tập trung nhiều vào Trung Quốc, bởi có đến hơn 30% hàng xuất khẩu của Australia tới Trung Quốc trong khi chỉ 5% tới Ấn Độ. 

Trung Quốc được đề cập 112 lần và có cả chương phụ trong Sách trắng Chính sách đối ngoại của Australia năm 2017, trong khi Ấn Độ chỉ được đề cập 60 lần.

Thập kỷ tới sẽ chứng kiến tầm quan trọng gia tăng trong cuộc đua vũ trụ và an ninh mạng. Ấn Độ đang đóng vai trò tích cực và có sự đầu tư phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực này. Ấn Độ cũng đã chứng minh được sự tương đồng với Trung Quốc về vị thế quyền lực đang gia tăng và tầm quan trọng chiến lược trong khu vực.

Sự trỗi dậy của Ấn Độ có thể mang đến cho Australia một cơ hội quan trọng để thay đổi sự phụ thuộc về kinh tế và chiến lược để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Hoàng Linh