|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Australia khởi xướng điều tra chống bán phá giá với hợp chất amoni nitrat

20:28 | 13/06/2022
Chia sẻ
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm hợp chất Amoni nitrat có xuất xứ từ Chile, Lithuania và Việt Nam (vụ việc 605).

Theo Cục Phòng vệ thương mại, hàng hóa bị điều tra là hợp chất amoni nitrat ở thể rắn, ở dạng viên hoặc hạt hoặc các hình dạng rắn khác, có hoặc không có chất phụ gia và chất phủ, được đóng kiện trên 10kg.

Trụ sở Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN).

Tại Australia, hợp chất này chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu để điều chế thuốc nổ dùng trong ngành khai thác và xây dựng, ngoài ra cũng được sử dụng để sản xuất phân bón trong nông nghiệp (phân đạm), và một phần nhỏ để sản xuất khí y tế đặc biệt. 

Đây là hợp chất dễ gây nổ, được phân loại là nhóm hàng nguy hiểm tại Australia và được phân loại trong Danh mục sản xuất có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại Việt Nam.

Cùng đó, phân loại theo mã HS theo Bản câu hỏi điều tra: 3102.30.00. Mã HS này chỉ có tính chất tham khảo, bao phủ hàng hóa bị điều tra và không bị điều tra. Các doanh nghiệp cần kiểm tra đối chiếu với mã HS khi xuất khẩu và mô tả sản phẩm của ADC.

Thời kỳ điều tra bán phá giá từ 1/4/2021 đến 31/3/2022 và thời kỳ điều tra thiệt hại từ 1/4/2018. Ngoài ra, thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi chậm nhất ngày 15/7/2022; biên độ bán phá giá do ADC ước tính: với Việt Nam là 34,8%; Lithuania là 36,6% và Chile là 38,5%.

Thống kê từ trang Trademap cho thấy, tổng lượng nhập khẩu amoni nitrat vào Australia trong năm 2021 đạt khoảng 71.251 tấn, tương đương với kim ngạch 23,36 triệu USD.

Trong số đó, 3 nước bị điều tra trong vụ việc này gồm Lithuania, Việt Nam và Chile thuộc nhóm 5 nước xuất khẩu amoni nitrat lớn nhất vào thị trường với thị phần xuất khẩu năm 2021 lần lượt là 29,61%; 22,68% và 10,53%.

Theo ghi nhận của Trademap, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu amoni nitrat sang Australia vào năm 2019 với lượng xuất khẩu thay đổi lớn trong giai đoạn 2019-2021 từ 6,7 nghìn tấn năm 2019 lên khoảng 38,6 nghìn tấn năm 2020 (tăng gần 6 lần) và giảm xuống còn khoảng 16,2 nghìn tấn năm 2021, tương đương với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 2,56 triệu USD; 12,13 triệu USD và 5,07 triệu USD.

Bộ Công Thương cho biết, ngày khởi xướng điều tra sẽ từ 8/6/2022 và thời hạn để doanh nghiệp xuất khẩu nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra ngày 15/7/2022

Thời gian ADC ban hành Kết luận điều tra sơ bộ vào 7/8/2022 tức 60 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra và ban hành Bản dữ kiện trọng yếu (SEF) là cơ sở cho Kết luận điều tra cuối cùng vào 26/9/2022.

Thời hạn các bên gửi bình luận đối với Bản dữ kiện trọng yếu (SEF) trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố SEF. Thời gian ADC ban hành Kết luận điều tra cuối cùng là 10/11/2022.

Ngày Bộ trưởng Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia chính thức ra Quyết định (dự kiến) trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận điều tra cuối cùng.  

Theo Bộ Công Thương, tài liệu liên quan và Bản câu hỏi điều tra: được ADC đăng tải tại địa chỉ: https://www.industry.gov.au/regulations-and-standards/anti-dumping-and-countervailing-system/anti-dumping-commission-current-cases/605, hoặc các doanh nghiệp có thể email tới investigations@adcommission.gov.au để nhận bản câu hỏi và các tài liệu liên quan.

Doanh nghiệp có thể nộp bản trả lời câu hỏi và các tài liệu kèm theo tới email của ADC: investigations@adcommission.gov.au hoặc trực tiếp tại trụ sở ADC theo địa chỉ GPO Box 2013, Canberra ACT 2601, Australia.

Là cơ quan thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xử lý các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu amoni nitrat sang Australia trong giai đoạn điều tra, doanh nghiệp cần chủ động liên lạc với ADC để đăng ký tham gia vụ việc và trả lời Bản câu hỏi điều tra gửi tới ADC trong ngày 15/7/2022.

Trong trường hợp nộp muộn hoặc không trả lời Bản câu hỏi, cơ quan điều tra sẽ không xem xét thông tin cho doanh nghiệp cung cấp và áp mức thuế chống bán phá giá cao, gây bất lợi tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp sang Australia.

Mặt khác, nghiên cứu kỹ lưỡng Hồ sơ yêu cầu điều tra của nguyên đơn để có thông tin phản biện (nếu có); đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định; hợp tác đầy đủ và toàn diện với ADC trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong Bản trả lời câu hỏi. 

Đặc biệt, trong trường hợp doanh nghiệp hợp tác tốt và tham gia vụ việc tích cực, doanh nghiệp có thể nhận được mức thuế tích cực; liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Uyên Hương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.