Australia hạn chế xuất khẩu khí đốt vì tình trạng thiếu hụt
Chính phủ Australia sẽ hạn chế xuất khẩu khí đốt từ năm sau trong nỗ lực nhằm ngăn chặn đà tăng giá năng lượng tại thị trường trong nước, thủ tướng Australia hôm nay cho biết.
Australia sắp vượt qua Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hầu hết người dân Australia đang đối mặt với tình trạng hóa đơn điện ngày càng tăng bởi chính phủ liên bang đã hạn chế khai thác thêm khí đốt và các nhà máy điện đốt than mới đang được xây dựng để thay thế những nhà máy điện cũ sẽ sớm ngừng hoạt động.
Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết, chính phủ Australia sẽ không dung túng để các khách hàng tại phải Nhật Bản trả ít tiền hơn khi mua khí đốt của Australia so với một số doanh nghiệp Australia.
"Nhiệm vụ trước tiên của chúng tôi là bảo vệ người dân, doanh nghiệp, hộ gia đình trong nước", ông Turnbull phát biểu với báo giới. Theo ông, không thể để tình trạng một quốc gia đang trở thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới lại thiếu hụt khí đốt trong nước, chính phủ sẽ phải can thiệp để giải quyết chuyện này.
Chính phủ Australia sẽ đưa ra các quy định mới từ ngày 1/7, yêu cầu các công ty năng lượng như ExxonMobil, Shell, Santos và Origin phải ưu tiên cho khách hàng Australia mua khí đốt trước khi xuất khẩu.
Sau những tính toán cho thấy Australia sẽ thiếu hụt nguồn cung, các quy định mới để hạn chế xuất khẩu khí đốt đã có hiệu lực từ 1/1.
Sự chia rẽ chính trị ngày càng lớn tại Australia về an ninh năng lượng trong tương lai. Đảng Lao động muốn dựa nhiều hơn vào các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như gió và năng lượng mặt trời. Ông Turnbull buộc tội chính phủ đảng Lao động của bang Victoria đang góp phần khiến tình trạng thiếu hụt hiện nay tăng lên khi cấm khai thác khí đốt.
Chính phủ bảo thủ đảng Tự do của ông Turnbull cho rằng nguồn năng lượng tái tạo là không đáng tin cậy và những nguồn năng lượng truyền thống như than đá và khí đốt vẫn cần thiết để tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung và cầu điện quốc gia.