|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Asahi: Các hãng mì ngoại đua nhau tăng thị phần ở Việt Nam

14:40 | 17/10/2016
Chia sẻ
Việt Nam là một trong những nước nghiện mì ăn liền nhất thế giới, do đó các nhà sản xuất Nhật Bản  và Hàn Quốc luôn tham vọng chiếm được thị phần tai đây càng nhiều càng tốt. 
`
asahi cac hang mi ngoai dua nhau tang thi phan o viet nam

Hiện nay, Việt Nam xếp thứ tư trong danh sách những thị trường mì ăn liền lớn nhất thế giới với 5% lượng tiêu thụ toàn cầu, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Tăng trưởng kinh tế hiện nay được các nhà sản xuất mì Nhật Bản xem là lý tưởng để kích cầu.

Người Việt ăn khoảng 4,8 tỷ phần mì ăn liền trong năm 2015, theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới tại Ikeda, Osaka, Nhật Bản. Với dân số khoảng 90 triệu người, điều này có nghĩa mỗi người ăn khoảng 50 phần mì một năm. Trước đây, các công ty Nhật thường tập trung vào sản phẩm đựng trong bao bì nilon có giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, gần đây họ đẩy mạnh loại mì cốc có giá cao, chế biến nhanh nhằm kích thích nhu cầu ăn mì cũng như hướng đến khách hàng có thu nhập khá.

Acecook Việt Nam, một chi nhánh của công ty Acecook Nhật Bản ở Osaka hiện chiếm hơn 50% thị phần. Hồi tháng 7, công ty này cho ra mắt sản phẩm mì cốc với thêm thịt và rau có giá 8.000 đồng, đắt hơn gấp đôi sản phẩm truyền thống đựng trong bao bì nilon. Sau khi thử nghiệm bán ở TP HCM và sau đó là Hà Nội, công ty bắt đầu mở rộng mạng lưới bán ra cả nước trong tháng 10.

Nhà máy mới nhất của Acecook đặt tại một khu công nghiệp cách trung tâm TP HCM khoảng 40 phút đi xe. Nhà máy có ba dây chuyền sản xuất, trong đó một dây chuyền dành riêng để làm mì cốc. Dây chuyền này có thể sản xuất tới 180 triệu phần mỳ cốc mỗi năm. Hiện công ty lên kế hoạch xây dựng một dây chuyền mì cốc tương tự đặt ở miền bắc.

Lý do chính khiến công ty quyết định dịch chuyển từ mì gói sang mì cốc là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, chủ yếu ở thành thị và gu ăn uống ngày càng đa dạng của họ.

Nhu cầu mì ăn liền ở Việt Nam từng đạt đỉnh 5,2 tỷ khẩu phần hồi 2013, nhưng từ đó đến nay liên tục giảm. Trong khi đó, kinh tế tăng trưởng hằng năm từ 5 đến 7%, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 5 lần trong 15 năm qua.

Người dẫn giàu lên dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các chuỗi cửa hàng ăn nhanh và cửa hàng tiện lợi. Theo đánh giá của hãng mì, điều này dẫn đến việc nhu cầu mì cốc càng gia tăng vì chúng dễ chế biến.

"Mì cốc bán tốt hơn mì gói tại nhiều cửa hàng ở TP HCM", Junichi Kajiwara, Giám đốc Acecook Vietnam nói với tờ Asahi Shimbun. "Đây là điều mà trước đây có tưởng tượng cũng không dám nghĩ tới".

Dựa trên thực tế này, Acecook đặt mục tiêu tăng doanh số bán mì cốc lên chiếm 2 đến 5% toàn bộ lượng bán vào cuối năm 2017.

Xuất khẩu để gia tăng doanh số

Nhiều công ty mì cho ra mắt những sản phẩm có hương vị độc nhất chỉ dành cho thị trường Việt Nam. Ví dụ, hồi tháng 7, Nissin Food cho ra mắt sản phẩm mì cốc ramen Cup Noodles nổi tiếng của họ dành cho thị trường Việt Nam. Sản phẩm này có giá khá cao từ 12.000 đến 15.000 đồng. Cũng như các công ty Nhật Bản, hãng mì Hàn Quốc cũng cũng bị hấp dẫn bởi nhu cầu mì cốc tại đây.

"Dân số Việt Nam đang tăng và người dân thì giàu lên, kể cả ở vùng nông thôn. Do đó, có nhiều cơ hội để gia tăng lượng tiêu thụ sản phẩm", Atsusuke Kawada, người đứng đầu văn phòng Hà Nội của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) nhận xét.

Với việc ký tham gia Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam đã mang tới cho các nhà sản xuất mì Nhật Bản cơ hội để xuất khẩu ra thế giới sau khi TPP có hiệu lực. Hiện nay, Acecook Việt Nam đã xuất khẩu gạo ăn liền và một số sản phẩm khác đến Bắc Mĩ và châu Âu. Hãng đang lên kế hoạch nâng tỷ lệ xuất khẩu trên tổng doanh thu từ 8% hiện nay lên 20% trong 3 năm tới.

Vân Vũ