|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Apple tự phơi bày sự dối trá khi kiện đối tác tái chế

07:55 | 13/10/2020
Chia sẻ
Hoạt động tái chế của Apple luôn là bí mật với người ngoài, song đơn kiện một đối tác tái chế của tập đoàn cho thấy "Táo khuyết" nói một đằng, làm một nẻo.

Hồi tháng 1, Apple kiện GEEP, một công ty tái chế rác điện tử ở Canada sau khi "Táo khuyết" bắt quả tang Geep bán 103.845 thiết bị mà Apple gửi tới để tái chế, theo trang The Logic. Theo hợp đồng, GEEP phải tiêu hủy toàn bộ số thiết bị đó. 

9 tháng sau khi Apple nộp đơn kiện lên tòa án ở Canada, họ mới công bố vụ việc. Ngay lập tức, giới quan sát đã phát hiện nhiều vấn đề liên quan tới chính sách môi trường của nhà sản xuất iPhone.

Lập luận của Apple trong nhiều năm qua là họ không tiêu hủy các thiết bị điện tử vẫn đủ điều kiện sử dụng. Đơn kiện của Apple mô tả rằng họ gửi những thiết bị "đã sửa chữa" tới GEEP. Song Apple không nói rõ cách thức họ sửa chúng, hay những vấn đề liên quan tới chúng. 

Josh Rosenstock, người đại diện của Apple, không tiết lộ tình trạng của các thiết bị mà tập đoàn gửi sang GEEP, theo Washington Post. Ông cũng tuyên bố tập đoàn luôn nỗ lực tối đa hóa số lượng thiết bị có thể tân trang mỗi năm.

Apple tự phơi bày sự dối trá khi kiện đối tác tái chế - Ảnh 1.

Nội dung đơn kiện GEEP cho thấy Apple đã phát hiện nhiều thiết bị trong lô hàng 103.845 thiết bị đã kết nối lại với mạng di động. (Ảnh: VOX)

"Chỉ riêng trong năm 2019, chúng tôi đã tái sử dụng tới 10 triệu thiết bị. Apple chỉ tiêu hủy thiết bị sau khi kết quả kiểm tra cho thấy chúng không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn trong ngành,  Rosenstock nói. Ông khẳng định không vật liệu nào từ các sản phẩm của Apple ra bãi rác sau quá trình tái chế.

“Vụ kiện thật tuyệt, vì các hoạt động mờ ám của Apple tự phơi bày. Tập đoàn này khoe số lượng điện thoại Apple mà họ tái sử dụng trong báo cáo môi trường, nhưng lại yêu cầu đối tác tái chế tiêu hủy hoàn toàn các thiết bị còn khả năng hoạt động”, Kyle Wiens, người sáng lập trang iFixit, nói về vụ Apple kiện GEEP.

Suốt nhiều năm qua, Apple liên tục công bố những nỗ lực bảo vệ môi trường như triển khai robot tái chế, tái sử dụng nhôm trong máy tính xách tay cũ. Mới đây, tập đoàn còn tuyên bố họ sẽ giảm thải toàn bộ lượng carbon vào năm 2030. 

Thậm chí Apple ngừng vận chuyển bộ sạc điện cùng một số phiên bản Apple Watch để giảm lượng chất thải. Giới quan sát còn dự đoán Apple sẽ không sản xuất tai nghe hoặc bộ sạc kèm theo mẫu iPhone mới.

“Thiết bị của bạn vẫn còn có thể hoạt động dù bạn không cần nó nữa. Nếu máy còn hoạt động bình thường, chúng tôi sẽ chuyển nó đến tay chủ nhân mới. Trong trường hợp ngược lại, chúng tôi sẽ vận chuyển nó đến các đối tác tái chế của tập đoàn”, Apple thông báo chính sách đổi thiết bị cũ lấy thiết bị mới trên web của họ.

Nhưng, vào năm 2017, trang Motherboard năm 2017 phát hiện Apple thuê công ty ngoài tiêu hủy thiết bị cũ, cấm đối tác tái chế tận dụng vật liệu sót lại sau quá trình tiêu hủy.

Rosenstock từ chối cung cấp số liệu về số lượng thiết bị Apple gửi đến đối tác để xử lí cũng như số lượng mà tập đoàn tự tái chế. Theo ông, Daisy và Dave, hai loại robot có khả năng tháo rời 200 chiếc iPhone/giờ, thực hiện nhiệm vụ tự tái chế của Apple. 

Người đại diện Apple cũng từ chối tiết lộ các tiêu chí giúp tập đoàn xác định tình trạng của thiết bị.

Gary Cook, giám đốc chiến dịch khí hậu toàn cầu của tổ chức môi trường Stand.Earth, nhận định Apple đang tự phơi bày chính sách "nói một đằng, làm một nẻo" thông qua vụ kiện GEEP. Đây là nguồn thông tin mà người ngoài không thể biết nếu Apple không tự nói ra.

“Apple chỉ muốn thúc đẩy doanh số bán hàng thay vì khuyến khích người dùng tiếp tục sử dụng điện thoại hiện tại của họ”, Cook bình luận.

Giống như Cook, nhiều người còn cáo buộc Apple luôn tìm cách để người dùng phải nâng cấp điện thoại mới. Sản phẩm của Apple có thiết kế rất khác nhiều điện thoại khác, khiến người dùng không thể thay thế, nâng cấp pin, bộ nhớ hay màn hình.

Nhạc Phong