|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Apple dỡ bỏ 25.000 ứng dụng hỗ trợ cho đánh bạc tại Trung Quốc

21:20 | 20/08/2018
Chia sẻ
Apple thông báo đã dỡ bỏ hàng nghìn ứng dụng liên quan tới trò đánh bạc trực tuyến khỏi App Store tại Trung Quốc trong bối cảnh hãng này bị giám sát khắt khe tại thị trường quan trọng này.
apple do bo 25000 ung dung ho tro cho danh bac tai trung quoc

Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngày 20/8, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ Apple thông báo đã dỡ bỏ hàng nghìn ứng dụng liên quan tới trò đánh bạc trực tuyến khỏi kho ứng dụng (App Store) tại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đẩy "gã khổng lồ" công nghệ vào cảnh bị giám sát khắt khe tại thị trường quan trọng này.

Trong thông báo mới đưa ra, Apple khẳng định đã dỡ bỏ nhiều ứng dụng cũng như những nhà phát triển tình nghi hỗ trợ đánh bạc trực tuyến trên kho ứng dụng App Store. Hãng cũng khẳng định tiếp tục nỗ lực để phát hiện và ngăn chặn những ứng dụng này thâm nhập vào App Store.

Trước đó, ngày 19/8, kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đưa tin Apple đã gỡ bỏ 25.000 ứng dụng được cho là hỗ trợ cho hoạt động đánh bạc hoặc chơi xổ số trực tuyến. Tuy nhiên, kênh truyền hình này cũng khẳng định vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng chưa được khắc phục bất chấp những nỗ lực trên diện rộng của Apple.

Hồi tháng trước, chính CCTV cũng đã cáo buộc Apple cho phép các ứng dụng hỗ trợ đánh bạc trực tuyến nhân rộng tràn lan.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại song phương ngày càng leo thang, các mảng hoạt động của tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ tại Bắc Kinh đang trở thành mục tiêu giám sát chặt chẽ của phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Chiếm gần 20% doanh thu của Apple năm 2017, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường lớn nhất của Apple. Cũng chính vì vậy, khi thương mại song phương ngày càng căng thẳng thì các sản phẩm của Apple luôn phải "đứng mũi chịu sào."

Trong thời gian qua, Apple đã tiến hành một số bước để đáp ứng yêu cầu từ các nhà quản lý Trung Quốc, trong đó có cả quá trình nhượng quyền kiểm soát các dữ liệu người dùng ở quốc gia này cho một doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, bước đi này cũng vấp phải sự chỉ trích từ phía các nhóm hoạt động nhân quyền cũng như quan ngại từ chính người dùng về khả năng bảo mật thông tin./.