Apple có loạt lợi thế khi dấn sâu vào ngành tài chính, các ngân hàng có thể sẽ phải dè chừng
Apple có khả năng tiếp cận khách hàng ở quy mô lớn hơn so với hầu hết các ngân hàng và cũng được người tiêu dùng tin tưởng hơn. Phải chăng Apple đang từng bước biến thành một định chế tài chính?
Tuần vừa rồi, Apple đã cùng Goldman Sachs cho ra mắt một tài khoản tiết kiệm trả lãi suất cao gấp hàng trăm lần mức lãi suất thấp nhất tại các ngân hàng lâu đời như Bank of America và hàng chục lần so với mức thông thường. Do sự kiện này diễn ra cùng thời điểm ngành ngân hàng Mỹ rơi vào khủng hoảng, nó đã thu hút sự chú ý lớn.
Nhưng trước đó, Apple đã cho ra mắt thẻ tín dụng của riêng mình, tính năng cho vay ngang hàng, ứng dụng Wallet. Công ty còn có dịch vụ “mua trước trả sau”, cho phép khách hàng dùng ví điện tử để thanh toán các giao dịch theo phương thức trả góp mà không phải trả lãi.
Cùng ngày Apple thông báo ra mắt tài khoản tiết kiệm mới, ba ngân hàng tại Mỹ báo cáo họ đã mất tổng cộng 60 tỷ USD tiền gửi trong quý I.
Lợi thế của Apple
Mọi người có thể tranh cãi về việc liệu một đại gia công nghệ bắt tay với các ngân hàng lớn có gây ảnh hưởng xấu đến sự cạnh tranh công bằng trên thị trường hay không.
Song, Apple có vẻ có đủ năng lực để xử lý một số rắc rối đã đeo bám các ngân hàng truyền thống trong suốt nhiều năm, ví dụ như chương trình mua trước trả sau.
Apple chủ yếu tài trợ cho những khoản vay này bằng bảng cân đối kế toán của mình, bao gồm 165 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán ngắn hạn có thanh khoản cao. Tổng nợ của công ty, tính đến cuối quý I, vào khoảng 111 tỷ USD.
Ngược lại, 90% số tiền mà các ngân hàng dùng để tiến hành hoạt động hàng ngày đến từ nguồn đi vay, tờ Financial Times cho biết . Phần lớn số nợ đó bao gồm tiền gửi của khách và khoản vay ngắn hạn có thể bị rút ra nhanh chóng.
Silicon Valley Bank đã gặp phải tình cảnh này và sụp đổ khi các nhà đầu tư cố gắng rút 42 tỷ USD khỏi nhà băng này trong một ngày. Việc có sẵn nhiều tiền mặt giúp Apple tránh được rắc rối phổ biến trên của ngành ngân hàng.
Bà Anat Admati, Giáo sư Đại học Stanford, nhận xét: “Các CEO ngân hàng đôi khi quên mất rằng người gửi tiền là chủ nợ, bởi họ không hành xử như các chủ nợ thông thường. Người gửi tiền tin rằng chương trình bảo hiểm tiền gửi và các nhà quản lý sẽ đảm bảo rằng họ sẽ lấy lại được tiền.
Các tổ chức phi ngân hàng sẽ không dám mơ tưởng rằng họ có thể tài trợ cho hoạt động của mình bằng quá nhiều nợ và quá ít vốn cổ phần như vậy”.
Một lợi thế khác của Apple so với các ngân hàng truyền thống là thương hiệu. Trong danh sách các công ty “được ngưỡng mộ nhất”, Apple thường xuyên đứng đầu, còn các ngân hàng hiếm khi được nhắc đến.
Sự yêu thích của người tiêu dùng dành cho Apple một phần là do mối quan hệ thân thiết với công ty. Các nghiên cứu cho thấy mọi người có khả năng chạm vào smartphone hơn 2.600 lần mỗi ngày. Rõ ràng một chi nhánh ngân hàng không thể tạo ra được sự kết nối như vậy.
Niềm tin là điều mà Apple đã ra sức tiếp thị nhằm phân biệt mình với các đối thủ như Google hay Meta, vốn chủ yếu dựa vào quảng cáo nhắm mục tiêu để tạo ra doanh thu.
Apple vẫn kiếm được phần lớn doanh thu từ việc bán thiết bị. Nhưng khi dấn sâu vào ngành kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số, Apple sẽ phải nỗ lực hơn nữa nhằm tận dụng hệ sinh thái của mình để kiếm lời và tránh khai thác người tiêu dùng theo những cách sẽ khiến các nhà quản lý lo ngại.
Gắn chặt người dùng vào hệ sinh thái
Để mở được tài khoản tiết kiệm Apple, bạn cần thẻ tín dụng Apple và cũng đồng nghĩa với việc bạn cần một chiếc iPhone. Hệ thống của Apple rất thân thiện với người dùng – tài khoản tiết kiệm không tính phí hay đòi hỏi lượng tiền gửi tối thiểu hay đặt ra yêu cầu về số dư. Giá trị của những dịch vụ này khuếch đại lẫn nhau, tạo ra ví dụ điển hình về hiệu ứng mạng lưới.
Nhưng mặt khác, khi đã ở trong hệ sinh thái của Apple, người tiêu dùng có thể sẽ thấy khó mà rời đi. Ví dụ, liệu bạn có chuyển sang dùng điện thoại Android nếu đã mở tài khoản ngân hàng với Apple? Và phải chăng bạn sẽ có khuynh hướng vay tiền từ Apple hơn là những tổ chức khác?
Apple chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào thể hiện rằng họ đang cố gắng trở thành một ngân hàng. Đây có lẽ là quyết định khôn ngoan, bởi lẽ nhiều công ty công nghệ khác đã phải ngậm trái đắng khi cố tiến vào ngành tài chính truyền thống. Ví dụ, Meta đã tốn nhiều năm cố gắng xây dựng đồng stablecoin tên Diem để rồi phải hủy bỏ dự án.
Tuy nhiên, việc Apple tỏ ra và hành động giống như một ngân hàng là điều khó có thể chối cãi. Nếu Apple góp phần khiến khách hàng rút mạnh tiền gửi hơn nữa, đến mức các ngân hàng truyền thống bị tổn thương nặng nề thì rất có thể công ty sẽ bị các nhà quản lý đưa vào tầm ngắm. Nhưng từ giờ cho đến lúc đó, rất có thể sẽ có thêm nhiều người dùng dịch vụ ngân hàng qua iPhone.