|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Áp lực nguồn cung và giá thép từ thị trường Trung Quốc vẫn hiện hữu

08:21 | 22/03/2024
Chia sẻ
Lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang các nước bao gồm Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong bối cảnh mức tiêu thụ của thị trường nội địa nước này còn thấp.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2023, Trung Quốc ghi nhận sản lượng thép xuất khẩu cao nhất  giai đoạn 2017-2023, và về lại mức trên 80 triệu tấn/năm. Mức này tương ứng giai đoạn 2014-2015, thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước do thừa cung.

Hiệu suất hoạt động của các lò cao tại Đường Sơn (trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc) duy trì ở mức 70%. Bên cạnh đó, triển vọng cắt giảm sản lượng trong năm 2024 chưa rõ ràng.

Hai yếu tố này cho thấy lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang các nước bao gồm Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong bối cảnh mức tiêu thụ của thị trường nội địa nước này còn thấp.

Do đó, VDSC lưu ý về rủi ro thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc (đặc biệt là thép xây dựng) ở khía cạnh cạnh tranh về mặt bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa.

Ngoài ra, giá thép Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá thép Trung Quốc, với sự tương quan cao giữa các thị trường.

 

 

 

 

 

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), xuất khẩu thép của nước này trong năm 2023 đạt hơn 90 triệu tấn, tăng 36% so với năm 2022.  Đây đồng thời là mức cao nhất kể từ năm 2016. Giá thép xuất khẩu trung bình của năm 2023 chỉ khoảng 706 USD/tấn, giảm 35% so với năm 2022.

Phần lớn thép được xuất khẩu sang các khu vực có ít rào cản thương mại, bao gồm Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Á, Trung Mỹ.

Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 8,3 triệu tấn thép từ Trung Quốc, tăng 63% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 78% cơ cấu các thị trường xuất khẩu thép vào Việt Nam. Giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm đạt trung bình 681 USD/tấn, giảm 30% so với năm ngoái.  

Chia sẻ tại buổi tổng kết ngành thép 2023 do VSA tổ chức hôm 13/1, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát từng cho biết thị trường thép trong nước chịu áp lực rất lớn từ thị trường Trung Quốc.

"Năm ngoái, nước này xuất khẩu hơn 90 triệu tấn tấn thép và dự kiến có thể tăng lên 100 triệu tán trong năm nay. Rõ ràng, nhiều nước đang dựng hàng rào với Trung Quốc. Nếu Việt Nam không có biện pháp phòng vệ thương mạng xứng đáng, chắc chắn với vị trí ngay sát Trung Quốc, áp lực thép nước này đổ vào thị trường nội địa rất lớn. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan nhà nước có biện pháp hỗ trợ chính đáng và công bằng”, ông Thắng nói.  

Dự báo về triển vọng ngành, đại diện Hòa Phát cho hay năm 2023 chính là đáy của ngành thép và thị trường sẽ tốt hơn trong năm 2024. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng sẽ  phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hay chậm, diễn biến lộ trình giảm lãi suất của Fed và triển vọng kinh tế Mỹ. 

Với thị trường nội địa, sức tiêu thụ cũng chưa thể phục hồi  nhanh chóng. “Hy vọng rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay sẽ tạo ra nhu cầu cho ngành thép. Chúng tôi lên kế hoạch tăng sản lượng thép trong năm nay trên 10% với kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ cũng ở mức tương tự”, ông Thắng nói thêm.        

Anh Đào