|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực lớn cho chính sách tiền tệ Việt Nam trong mùa dịch

21:30 | 06/02/2020
Chia sẻ
Chiến tranh thương mại tạm lắng, thì dịch bệnh do virus corona chủng mới (2019-nCoV) lại bao phủ “bóng đen” lên kinh tế toàn cầu năm 2020. Việc hạn chế giao thương với Trung Quốc để phòng ngừa lây lan dịch bệnh sẽ là thách thức không nhỏ cho chính sách tiền tệ của Việt Nam trong việc ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng.
Áp lực lớn cho chính sách tiền tệ Việt Nam trong mùa dịch - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã phải tạm hạn chế giao thương với Trung Quốc, các biện pháp bao gồm đóng cửa khẩu, sơ tán công dân, ngừng cấp thị thực và các chuyến bay từ vùng dịch,... Chính phủ Việt Nam cũng đã có chỉ đạo quyết liệt để hạn chế sự lây lan virus từ Trung Quốc, đặc biệt là đóng cửa có thời hạn nhiều cửa khẩu, lối mở tại biên giới với Trung Quốc như Cao Bằng, Lạng Sơn,... Đây đều là những địa điểm trao đổi hàng hóa lớn giữa hai nước. Về phía Trung Quốc, quốc gia này cũng cho đóng cảng, ngưng thông quan tại thành phố Bằng Tường, giáp tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam.

Tác động từ hạn chế thương mại với Trung Quốc

Việc hạn chế thương mại với Trung Quốc sẽ gây tác động mạnh tới lạm phát và kinh tế Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 đạt 116,86 tỉ đô la Mỹ; bằng khoảng 46,7% tổng GDP của Việt Nam năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,41 tỉ đô la; chiếm 15,7% trong cơ cấu xuất khẩu - đứng thứ 2 sau thị trường Mỹ.

Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quóc đạt 75,45 tỉ đô la, tương đương gần 30% - dẫn đầu trong cơ cấu nhập khẩu.

Việc Việt Nam đóng nhiều cửa khẩu sang thị trường lớn thứ 2 này sẽ tác động đáng kể tới tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là mặt hàng nông sản - do đây là mặt hàng khó bảo quản, dễ hỏng. Năm 2019, Trung Quốc là nước nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, với tổng giá trị gần 6 tỉ đô la. Việc “bế quan tỏa cảng” với Trung Quốc những ngày qua đã khiến các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu,... ở trạng thái dư cung, giá giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất.

Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài, cũng sẽ ảnh hưởng tới các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như điện thoại, linh kiện; máy tính, các sản phẩm điện tử. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc đạt gần 18 tỉ đô la.

Ở chiều nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này hiện tại chỉ đóng 1 cửa khẩu với Việt Nam, song việc giao thương Việt - Trung đang bị hạn chế đáng kể từ phía Việt Nam. Việc hạn chế nhập khẩu sẽ tác động lớn tới nguồn cung nguyên liệu sản xuất và nhiều mặt hàng thiết yếu của Việt Nam.

Chúng ta nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc và con số này không ngừng tăng lên qua các năm. Trong đó, Trung Quốc là nguồn cung ứng đứng đầu tại hầu hết mặt hàng thiết yếu của Việt Nam như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên liệu dệt may, da, giầy; điện thoại và linh kiện,... Đặc biệt, nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử từ Trung Quốc tăng mạnh 47,2%, đạt 12,11 tỉ đô la trong năm ngoái.

Đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và có xu hướng gia tăng do chi phí thấp. Trung Quốc cũng bơm rất nhiều tiền vào nền kinh tế qua cả chính sách tài khóa và tiền tệ trong những năm qua, góp phần giảm giá thành phẩm, cải thiện xuất khẩu và Việt Nam là thị trường tương đối quan trọng của Trung Quốc khi chiến tranh thương mại với Mỹ trong gần hai năm qua khiến thị trường xuất khẩu của nước này gặp nhiều khó khăn, đẩy kinh tế nước này liên tục giảm tốc.

Vì vậy, việc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc chắc có thể tạo cú sốc cung ngắn hạn cho nước ta, làm khan hiếm hàng hóa, đẩy giá tăng, hoặc buộc Việt Nam phải tìm kênh nhập khẩu mới chi phí cao hơn, gia tăng nhập khẩu lạm phát.

Như vậy, cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát đều gặp áp lực từ việc hạn chế thương mại với Trung Quốc.

Áp lực lớn cho chính sách tiền tệ

Áp lực lớn cho chính sách tiền tệ Việt Nam trong mùa dịch - Ảnh 2.

Việc “bế quan tỏa cảng” với Trung Quốc những ngày qua đã khiến các mặt hàng nông sản ở trạng thái dư cung, giá giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Việt Nam vừa trải qua năm 2019 khá “yên ả” trong điều hành vĩ mô khi xu hướng nới lỏng tiền tệ trên thế giới diễn ra trong suốt cả năm, cùng cán cân thương mại thặng dư kỷ lục khiến áp lực lên các biến số vĩ mô là không nhiều. Song 2019-nCoV có lẽ sẽ tạo thách thức không hề nhỏ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm nay.

Như đã phân tích ở trên, mục tiêu hàng đầu của NHNN là duy trì lạm phát dưới 4% trong năm nay sẽ gặp không ít thách thức ngay từ đầu năm do hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc. Dịch bệnh bùng phát trong giai đoạn Tết - giai đoạn cao điểm mua sắm và chi tiêu trong năm khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh.

CPI tháng 1 vừa qua tăng 1,23% so với tháng 12-2019 và tăng tới 6,43% so với tháng 1-2019, mức tăng cao nhất trong bảy năm qua. Trong đó, tiêu biểu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 2,29%.

Lạm phát còn có thể gặp áp lực lớn từ hệ quả nới lỏng tiền tệ kéo dài trong hai năm qua. Vốn đầu tư đổ mạnh vào Việt Nam, đi kèm cán cân thương mại liên tiếp thặng dư kỷ lục đã giúp NHNN bổ sung được khá nhiều ngoại tệ cho dự trữ, song cơ quan này cũng bơm lượng lớn nội tệ ra nền kinh tế trong hai năm qua.

Tổng phương tiện thanh toán năm 2019 tăng 12,1%, cao hơn mức tăng 11,34% của 2018. Tuy lạm phát bình quân năm 2019 khá thấp, chỉ 2,79%, song tác động của việc nới lỏng tiền tệ này có thể có độ trễ sang năm 2020. Cộng hưởng các yếu tố trên, bình ổn giá cả sẽ là nhiệm vụ khó khăn của nhà điều hành trong năm nay.

Ngoài lạm phát thì công cụ tỷ giá cũng đã và đang bộc lộ nhược điểm. Cán cân thương mại đang bắt đầu trở lại nhập siêu (tháng 1-2020 ước tính nhập siêu 100 triệu đô la). Trong giai đoạn tới, xu thế nhập siêu có thể gia tăng khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung ngoại tệ giảm dần, trong khi lo ngại dịch bệnh lan rộng sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

NHNN đã giảm 25 đồng giá mua đô la, từ 23.200 xuống 23.175 đồng đổi 1 đô la trong năm 2019, song giá bán thì tăng theo đà tăng của tỷ giá trung tâm. Ngày 31-1-2020, giá bán ngoại tệ ở mức 23.842 đồng/đô la, tăng 11 đồng so với ngày 30-1 và tăng 27 đồng so với trước Tết (22-1). Độ chênh giá mua và giá bán ngày càng tăng sẽ khiến NHNN không dễ bơm ngoại tệ, bình ổn tỷ giá kịp thời khi áp lực tăng cao. Điều này sẽ khiến tỷ giá có thể bị áp lực tăng mạnh hơn trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh do 2019-nCoV diễn biến xấu hơn và cán cân thương mại thâm hụt mạnh.

Việc kiềm chế lạm phát đang được NHNN triển khai thậm chí từ trước Tết, khi phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày, hút ròng tổng cộng 25.000 tỉ đồng cho tới nay. Nhiều khả năng, việc hút ròng nội tệ với kỳ hạn dài sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Trong khi để ứng phó với trường hợp xấu của tỷ giá, NHNN có thể xem xét thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn ở mức giá thấp hơn so với giá bán đô la Mỹ hiện tại như đã thực hiện trong năm 2018.

Chính sách tiền tệ thắt chặt là cần thiết vào thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh trở nên xấu hơn, để ổn định lạm phát. NHNN có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ lãi suất cho vay thông qua mua kỳ hạn giấy tờ có giá (lãi suất repo) thay vì bám theo xu thế giảm của nhiều quốc gia trên thế giới để “bảo hiểm” cho tăng trưởng.

Bởi lẽ, việc giảm lãi suất repo có thể thúc đẩy việc vay NHNN nhiều hơn khi thanh khoản liên ngân hàng eo hẹp do tín dụng tăng mạnh trở lại và khi đó NHNN sẽ quay trở lại bơm tiền vào nền kinh tế, càng tạo áp lực cho lạm phát. Trong khi đó, kích thích tăng trưởng bù đắp sự suy giảm của cán cân thương mại có thể trông đợi từ các gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như đã làm trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam đạt khoảng 517 tỉ đô la, tương ứng 206% quy mô nền kinh tế. Điều này khiến kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với các cú sốc cung từ quốc tế. Giảm dần phụ thuộc xuất nhập khẩu vào một thị trường nhất định sẽ giảm thiểu được những tác động tiêu cực.

NHNN cũng đã có nhiều biện pháp để củng cố vững chắc cho nền tảng vĩ mô và hệ thống ngân hàng để đối phó với ảnh hưởng từ tài chính quốc tế như tăng cường giám sát chặt chẽ và ban hành nhiều thông tư đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, hay gia tăng dự trữ ngoại hối trong những năm qua. Song năm 2020 sẽ là năm thách thức cho chính sách tiền tệ.

Phạm Long