|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Zimbabwe được hay mất nhiều hơn trong thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Trung Quốc?

07:52 | 29/01/2020
Chia sẻ
Các trang mạng qz.com và ztn.co.zw tuần qua đăng bài phân tích về những tác động tiêu cực của thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc – Zimbabwe đối với quốc gia miền Nam châu Phi.

Zimbabwe được hay mất nhiều hơn trong thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Trung Quốc? - Ảnh 1.

Đồng nhân dân tệ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/1, Bộ trưởng Tài chính và phát triển kinh tế Zimbabwe Mthuli Ncube thông báo Zimbabwe và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ nhằm tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước.

Việc hoán đổi tiền tệ sẽ giúp kết nối giữa các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mang ngoại tệ vào Zimbabwe để đầu tư kinh doanh với các nhà đầu tư Trung Quốc đang hoạt động ở Zimbabwe và muốn chuyển tiền ra khỏi nước này để trả cổ tức hoặc chi trả cho các nhà cung cấp.

Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư ở Trung Quốc thanh toán cho doanh nghiệp hoạt động ở Zimbabwe đang tìm kiếm ngoại tệ. Doanh nghiệp của Trung Quốc ở Zimbabwe sẽ thanh toán bằng khoản tiền bằng đồng đô la Zimbabwe (ZWD) tương đương với số tiền USD cần trả vào tài khoản ngân hàng địa phương của bên trả tiền ở Trung Quốc.

Đồng nội tệ là phương tiện thanh toán hợp pháp cho tất cả các giao dịch trong nước, trừ một số nhà khai thác kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành du lịch có thể giao dịch bằng USD.

Dù vậy, các chính sách tiền tệ này không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi họ muốn chuyển lợi nhuận đạt được trở lại Trung Quốc vì Zimbabwe đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại tệ.

Đạt được sau chuyến thăm Zimbabwe của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ này sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tại Zimbabwe dễ dàng hơn trong chuyển tiền ra khỏi đất nước tiếp nhận đầu tư.

Bộ trưởng Mthuli Ncube cho biết những nhà đầu tư Trung Quốc sẽ hoán đổi tiền tệ để những người đang đầu tư vào Zimbabwe có thể dùng đồng nội tệ để trả cho những người đang muốn rút vốn.

Quốc gia miền Nam châu Phi này hiện trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ với tình trạng thiếu nhiên liệu và các mặt hàng cơ bản khác. Vì vậy Zimbabwe đang đặt nhiều hy vọng vào Trung Quốc để cải thiện tình trạng khó khăn kinh tế hiện nay, sau thất bại trong việc thuyết phục Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ trừng phạt kinh tế vào năm ngoái.

Zimbabwe là cái tên mới nhất mới nhất trong số các quốc gia châu Phi như Nam Phi, Nigeria và Ghana đã ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế Zimbabwe cho rằng động thái này sẽ có lợi cho phía Trung Quốc trong khi tiếp tục gây khó khăn đối với Zimbabwe vốn đang rất cần ngoại tệ.

Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ này sẽ đơn giản hóa thủ tục kiểm soát ngoại tệ, nhưng sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển lợi nhuận kinh doanh ra khỏi đất nước. Trong khi đó, những người Zimbabwe vốn trước đây được quyền tiếp cận với số tiền đó sẽ không còn khả năng này nữa.

Dòng ngoại hối tiềm năng từ đầu tư sẽ không chảy vào thị trường Zimbabwe do ngoại tệ không được bơm vào các hệ thống kinh tế của quốc gia miền Nam châu Phi này, bởi quy định mới cho phép công ty Trung Quốc chuyển tiền lãi về bản địa.

Giám đốc điều hành của Liên minh về nợ và phát triển Zimbabwe (ZIMCODD) Janet Zhou cho rằng lợi ích duy nhất Zimbabwe đạt được từ thỏa thuận có thể là khả năng tiếp cận với ngoại tệ và các nguồn tài chính bên ngoài với lãi suất cạnh tranh. Tuy nhiên, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ hoạt động tốt nhất trong các nền kinh tế ổn định.

Giám đốc điều hành Janet Zhou đánh giá do tình hình siêu lạm phát, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sẽ không có lợi đối với Zimbabwe. Bởi khi bắt đầu hợp đồng hoán đổi tiền tệ, hai bên sẽ thỏa thuận tỷ giá hối đoái cố định. Trong bối cảnh đồng nội tệ của quốc gia miền Nam châu Phi này ngày một mất giá, lượng tiền gốc sẽ mất giá trị vào thời điểm thanh toán hợp đồng.

Hơn nữa, Zimbabwe hiện đang rất cần ngoại tệ và rất có khả năng chính phủ nước này sẽ đưa ra các điều khoản thân thiện để thu hút đầu tư và ngoại tệ. Trong mọi trường hợp, Trung Quốc sẽ có nhiều ưu thế hơn để mặc cả bởi vị thế kinh tế chính trị toàn cầu của cường quốc châu Á này.

Giám đốc điều hành Janet Zhou bày tỏ quan ngại của ZIMCODD về nguồn cung đô la Zimbabwe để thực hiện hoán đổi tiền tệ, bởi các lựa chọn khả dụng duy nhất sẽ là in tiền hoặc phát hành tín phiếu kho bạc vốn có tính lạm phát cao.

Ngay sau cuộc gặp với Tổng thống Emmerson Mnangagwa tại Harare vào ngày 13/1 vừa qua, Bộ trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong 11 năm liên tiếp.

Tổng đầu tư gián tiếp của Trung Quốc đã đạt 110 tỷ USD và hơn 3.700 doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư và khởi nghiệp kinh doanh ở nhiều khu vực khác nhau của châu Phi – tạo thành động lực mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế bền vững trên lục địa.


Đình Lượng