|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của doanh nghiệp

15:49 | 11/03/2024
Chia sẻ
Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn trong năm nay đạt đỉnh điểm (phần lớn là trái phiếu bất động sản) có thể làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp, tạo sức ép tài chính và ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu cũng như các kế hoạch của doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 11/3 cho thấy, có tới hơn một nửa (51,7%) số doanh nghiệp cho biết không hoàn thành kế hoạch doanh thu trong khi 46,7% số doanh nghiệp không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch ở hai chỉ tiêu đều thấp hơn giai đoạn 2021-2022. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.

 (Nguồn: VNR).

Sang năm 2024, Vietnam Report cho rằng, bức tranh tổng thể, sắc xám vẫn đang bao phủ và chưa thể loại bỏ một sớm một chiều do kinh tế thế giới dù không suy thoái nhưng tăng trưởng chậm lại hay thương mại quốc tế giảm động lực tăng trưởng.

Đặc biệt, áp lực về đáo hạn các khoản trái phiếu trong năm 2024 vẫn còn rất lớn khi khối lượng TPDN đáo hạn trong năm nay đạt đỉnh điểm với tổng giá trị đáo hạn lên tới gần 279.219 tỷ đồng, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41,4%. Điều này có thể làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp, tạo sức ép tài chính và ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu cũng như các kế hoạch của doanh nghiệp.

Với những khó khăn này, chỉ có 5,3% doanh nghiệp cho rằng năm 2024 tăng trưởng đạt trên 6,5% và đa số doanh nghiệp (31,6%) lựa chọn kịch bản tăng trưởng từ 5,0-5,5%.

   (Nguồn: VNR). 

Tuy vậy, Vietnam Report cũng chỉ ra điểm tích cực là mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đã phần nào cải thiện. Cụ thể, trong hai tháng đầu năm nay, triển vọng nền kinh tế trong năm 2024 được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 3,5/5 – mức khả quan so với năm 2023. Trong khi đó, triển vọng của chính bản thân doanh nghiệp được đánh giá khởi sắc hơn ở mức 3,8/5.

Bên cạnh đó, điểm tựa tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong năm 2024 đến từ sự đồng hành của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, mặt bằng lãi suất cho vay giảm cùng các chính sách gỡ khó, hỗ trợ khơi thông các nguồn lực là cơ sở quan trọng cho doanh nghiệp vững tin đầu tư, kinh doanh, kiến thiết lại một quỹ đạo tăng trưởng mới.

Không chỉ quyết liệt thực thi các giải pháp tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh khơi thông dòng vốn mang lại sự ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ cũng duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, vào ngày 05/3/2024, Thủ tướng đã ký Công điện số 18/CĐ-TTg yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động trong năm nay. Thực tế, mặt bằng lãi suất tiền gửi tháng 2 vừa qua đã giảm gần 4% so với cùng kỳ 2023 trong khi lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng duy trì trong năm 2024 tạo ra những ảnh hưởng tích cực, kích cầu tín dụng.

Theo khảo sát của Vietnam Report, có tới 51,7% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu vốn trong năm 2024 sẽ tăng lên so với năm qua.

Nguyễn Ngọc

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.