Áp lực của chế biến và xuất khẩu hàng hóa
Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu hàng thô
“Việt Nam có sản lượng nông nghiệp dẫn đầu song không đưa được giá trị cao. Hầu hết, sản phẩm chưa chiếm lĩnh được thị trường bởi vấn đề ở khâu chế biến. Trong đó, các mặt hàng nông thủy sản chúng ta vẫn đang chủ yếu xuất khẩu thô. Nếu có qua sơ chế nhưng cũng chủ ở mức độ không đáng kể, " ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu nhận định tại “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017” tổ chức sáng nay (ngày 20/4).
Ông Hải cho biết thêm, các mặt hàng xuất khẩu còn gặp vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm khi hàng rào kỹ thuật các nước dựng lên ngày càng nhiều. Tiêu biểu, sản phẩm cá tra, tôm phải vượt qua hàng rào kỹ thuật khắt khe để vào được các thị trường khó tính như Mỹ, EU.
“Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017” diễn ra với chủ đề Nghiên cứu phát triển sản phẩm xuất khẩu, giải pháp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (Ảnh Hồng Vũ) |
Cũng theo ông Hải, Việt Nam có thế mạnh nguyên liệu nhưng đang thiếu, điển hình là thiếu nguyên liệu trong ngành điều. Hiện nay, 50% lượng điều thô là nhập khẩu có nghĩa là vùng điều lớn nhất của Việt Nam là Đông Nam Bộ đã không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu trong nước. Tương tự, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn tôm từ Ấn Độ để về sơ chế thành sản phẩm xuất khẩu.
Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, sản xuất vẫn chủ yếu là gia công, nhập nguyên liệu linh kiện nước ngoài về lắp ráp, trong ngành da giày chỉ đáp ứng 30 - 40% nhu cầu nguyên phụ liệu. Mặc dù, ngành công nghiệp đã tham gia vào nguồn cung ứng toàn cầu các sản phẩm dệt may, điện thoại trên thị trường thế giới nhưng giá trị chúng ta thu về được rất thấp.
“Trong một chuỗi sản xuất luôn có những mắt xích then chốt nhưng hiện nay chúng ta chưa có được mắt xích tốt nhất”, ông Hải nhận định.
Loay hoay thương hiệu
Liên quan đến vấn đề thương hiệu, ông Hải cho rằng, sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu bởi hàng hóa Việt Nam chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ. Không chỉ vậy, xây dựng thương hiệu ở cấp doanh nghiệp rất khó khăn. Theo đó, cần xây dựng thương hiệu ở cấp tập thể giúp kéo một loạt doanh nghiệp trong ngành đó tiến lên đưa giá trị lên cao.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết: “Nông sản Việt Nam còn hạn chế về chất lượng, chế biến, bảo quản nên vấn đề thương mại, marketing, nắm bắt thị trường, thị hiếu, về tổ chức, về nghiệp vụ bán hàng cũng hạn chế. Hệ thống thương mại tiêu thụ sản phẩm yếu kém là nguyên nhân làm giảm giá trị ngành gạo và nông sản nói chung. Chúng ta không thể thỏa mãn với lối thương mại nhỏ lẻ như hiện nay, nên xây dựng tập đoàn thương mại lớn, có thương hiệu mạnh”.
Ông Nam dẫn chứng: “Nông dân bán thóc lúa thấp đổ lỗi do thương lái trung gian mua hàng “làm giá” nhưng thực ra vẫn là doanh nghiệp vẫn là gốc quyết định giá tăng hay giảm. Hiện nay vẫn tồn tại một bộ phận các doanh nghiệp chỉ làm đầu mối, hợp đồng bán hàng mà có khi không biết chính xác mặt hàng mình ký hợp đồng trông như thế nào.
Ông cho rằng, cần phải đổi mới hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, phải vào cuộc tham gia cho hàng hóa nông sản, từ thị trường trong nước đến thị trường xuất khẩu.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch hội đồng quản trị, TGĐ công ty CP Cao su Hà Nội chia sẻ quan điểm, doanh nghiệp muốn nâng cao giá trị sản phẩm thì phải dựa trên cải tiến công nghệ truyền thống, du nhập công nghệ mới. Nếu có nguyên liệu mới do thành tựu khoa học kỹ thuật đem lại thì phải mau chóng sử dụng.
"Việc đầu tư công nghệ cần quan tâm lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực của doanh nghiệp. Nếu năng lực có hạn mà đầu tư vào công nghệ quá cao khiến doanh nghiệp hụt hơi, khó đáp ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xác định rõ, cạnh tranh với doanh nghiệp lớn bằng cách trước hết tham gia vào chuỗi sản xuất của chính họ, đừng nghĩ xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với thương hiệu của họ điều đó là rất khó.
Theo Báo cáo của Cục Xúc tiến Thương mại, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cả nước có 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 22,2 tỷ USD, tăng 78% so với năm trước. Tỉ lệ nội địa hóa một số ngành được nâng cao như điện thoại di động, dệt may... Kết quả là xuất khẩu tương đối khả quan so với các năm trước tuy nhiên, giá trị gia tăng nhiều nhóm ngành hàng như nông sản, thủy sản, điện tử gia dụng, điện tử công nghệ cao... vẫn còn thấp. |