|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Anh và New Zealand cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị có liên quan tới chính phủ

10:42 | 17/03/2023
Chia sẻ
Anh và New Zealand đã trở thành những quốc gia tiếp theo cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị có liên quan tới chính phủ, qua đó tiếp tục gây áp lực lên ứng dụng thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc, ByteDance, chủ sở hữu hiện tại của TikTok.

Vương quốc Anh mới đây đã công bố kế hoạch cấm sử dụng ứng dụng xem video ngắn TikTok do kỳ lân ByteDance của Trung Quốc sở hữu trên các thiết bị của chính phủ, theo CNBC.

Cụ thể, Bộ trưởng Văn phòng Nội các của Anh Oliver Dowden cho biết, sau khi được các chuyên gia an ninh mạng của Anh xem xét, “rõ ràng là có thể có rủi ro xung quanh cách một số nền tảng nhất định, có thể truy cập và sử dụng dữ liệu nhạy cảm của chính phủ”.

Ông Dowden nói thêm rằng các ứng dụng thu thập lượng dữ liệu khổng lồ về người dùng, bao gồm danh bạ và vị trí. Ông nói: “Trên các thiết bị của chính phủ, có thể có những dữ liệu nhạy cảm”.

TikTok bị cấm cài đặt trên các thiết bị của chính phủ Anh. (Ảnh: CNBC).

“Tính bảo mật của thông tin nhạy cảm của chính phủ phải được đặt lên hàng đầu, vì vậy hôm nay chúng tôi sẽ cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ”, ông Dowden cho biết trong một thông cáo báo chí, đồng thời nói thêm rằng việc sử dụng các ứng dụng trích xuất dữ liệu khác cũng sẽ được xem xét.

Theo ông Dowden, lệnh cấm TikTok bắt đầu có hiệu lực ngay lập tức. Ông xác nhận lệnh cấm sẽ không mở rộng đối với các thiết bị cá nhân dành cho nhân viên của chính phủ.

Việc có “ngoại lệ” cho việc sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ đang được thực hiện khi cần thiết cho mục đích công việc, nhưng “sẽ chỉ được cấp bởi các nhóm bảo mật trong từng trường hợp cụ thể, với sự cho phép của các lãnh đạo nếu phù hợp và phải được sử dụng với các biện pháp giảm thiểu bảo mật được áp dụng”, Chính phủ Anh cho biết.

Bộ trưởng Dowden cũng nói thêm rằng các thiết bị của chính phủ sẽ chỉ có thể truy cập các ứng dụng của bên thứ ba nằm trong danh sách được phê duyệt trước. Người phát ngôn của TikTok nói rằng công ty thất vọng với quyết định của chính phủ Vương quốc Anh.

“Chúng tôi tin rằng những lệnh cấm này dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản và được thúc đẩy bởi yếu tố chính trị. TikTok và hàng triệu người dùng của chúng tôi ở Vương quốc Anh không đóng vai trò gì trong vấn đề này. Chúng tôi vẫn cam kết hợp tác với chính phủ để giải quyết bất kỳ mối lo ngại nào, nhưng phải được đánh giá dựa trên sự thật và đối xử bình đẳng như các đối thủ cạnh tranh”, người phát ngôn của TikTok cho biết.

“Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện một kế hoạch toàn diện để bảo vệ dữ liệu người dùng trên toàn châu Âu. bao gồm cả việc lưu trữ dữ liệu người dùng ở Vương quốc Anh trong các trung tâm dữ liệu được đặt tại châu Âu của chúng tôi và thắt chặt kiểm soát truy cập dữ liệu, bao gồm cả sự giám sát độc lập của bên thứ ba đối với phương pháp tiếp cận của chúng tôi”, người phát ngôn của TikTok nói thêm.

New Zealand cũng đưa ra lệnh cấm

Không chỉ Vương quốc Anh, New Zealand cũng sẽ cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị có quyền truy cập vào mạng quốc hội vì lo ngại về vấn đề an ninh mạng, một quan chức chính phủ nước này cho biết.

Lãnh đạo Dịch vụ Nghị viện Rafael Gonzalez-Montero cho biết TikTok sẽ bị cấm trên tất cả các thiết bị có quyền truy cập vào mạng quốc hội của New Zealand vào cuối tháng 3. Ứng dụng xem video ngắn TikTok đã bị giám sát ngày càng nhiều do lo ngại rằng dữ liệu người dùng từ ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh có thể được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc.

Ông Gonzalez-Montero, trong một email gửi cho Reuters, cho biết quyết định này được đưa ra sau khi có lời khuyên từ các chuyên gia an ninh mạng và các cuộc thảo luận trong chính phủ cũng như với các quốc gia khác.

“Dựa trên thông tin này, chúng tôi đã xác định rằng những rủi ro là không thể chấp nhận được trong môi trường Nghị viện New Zealand hiện tại”, ông nói. Ông Rafael Gonzalez-Montero cho biết thêm, các thỏa thuận đặc biệt có thể được thông qua cho những người yêu cầu việc sử dụng ứng dụng để phục vụ công việc của họ.

Áp lực với TikTok

Động thái mới nhất của Anh và New Zealand đã theo sau những điều tương tự ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Vào cuối tháng 2, Nhà Trắng đã cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để đảm bảo rằng TikTok không được cài đặt trên các thiết bị liên bang. Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cũng cấm nhân viên cài đặt TikTok trên thiết bị cá nhân và thiết bị chung.

Các nhà lập pháp ở Washington đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng dữ liệu người dùng Mỹ từ TikTok có thể được gửi đến Trung Quốc và được chia sẻ với chính phủ của quốc gia này.

TikTok cũng đã nêu bật công việc họ đang làm để bảo vệ dữ liệu người dùng ở Mỹ. Công ty đã tiết lộ “Dự án Texas” vào năm ngoái để “bảo vệ toàn diện dữ liệu người dùng và lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”. TikTok cho biết họ đang hợp tác với công ty Oracle của Mỹ để lưu trữ tất cả dữ liệu của quốc gia này theo mặc định trên đám mây của Oracle trong một động thái nhằm xoa dịu nỗi lo của Washington.

Áp lực đang gia tăng trên toàn cầu với TikTok. Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) đã yêu cầu ByteDance bán cổ phần của mình trong TikTok, nếu không ứng dụng này có thể phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ. Bất kỳ lệnh cấm nào được đưa ra cũng sẽ có khả năng bóp nghẹt TikTok khỏi thị trường rộng lớn bậc nhất thế giới này.

Anh Nguyễn