|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Ăn theo thông tin huyện lên quận, giá đất Hoài Đức tăng cao nhất 50%

15:57 | 25/10/2018
Chia sẻ
Theo khảo sát, sau thông tin huyện Hoài Đức sẽ lên quận, giá đất nền ở một số khu vực huyện này đã tăng có nơi tăng 50%. Tuy nhiên, giao dịch không sôi động. 

Khảo sát cho thấy giao dịch đất nền ở huyện Hoài Đức hiện không sôi động như từng được phản ánh trước đó. Một số văn phòng môi giới nhà đất đóng cửa im ắng. Theo lời của nhiều nhân viên môi giới, hầu hết giao dịch hiện nay trên địa bàn các địa phương xuất phát từ nhu cầu thực tế, không có chuyện "thổi" giá đất hay cò mồi.

Giá đất nền ở Hoài Đức tăng theo từng địa bàn. Trong đó, thị trấn Trạm Trôi hiện có giá đất nền cao nhất. Ngoài ra, đất nền An Khánh cũng tăng khá mạnh sau khi có thông tin huyện Hoài Đức sắp lên quận. Với một số lô đất đẹp, giá có thể tăng đến 50%.

Đất nền An Khánh tăng 50%

Ở các xã dọc cao tốc Láng - Hoà Lạc thuộc địa phận huyện Hoài Đức, giá đất nền có dấu hiệu tăng kể từ khi UBND Hà Nội ban hành quyết định huyện Hoài Đức lên quận vào năm 2020.

Theo khảo sát, hiện các lô được chào bán ở An Khánh chủ yếu là đất ngõ, mức giá giao dịch dao động chủ yếu ở ngưỡng 20 - 30 triệu đồng/m2. Một số lô đất cạnh các trục đường có dự án, giá lên đến 40 triệu đồng/m2. Theo lời một chuyên viên môi giới lâu năm, mức giá này tăng 50% so với thời điểm chưa có thông tin Hoài Đức lên quận.

Các khu vực lân cận như Song Phương, An Thượng, Vân Côn,… giá đất nền cũng rục rịch tăng song mức tăng không đáng kể. Theo thông tin từ các chuyên viên môi giới, giá đất ngõ ở Song Phương, An Thượng dao động ở mức 16 triệu đồng/m2, tức tăng 1 - 3 triệu đồng so với trước đó. Các địa phương nằm cách trung tâm TP Hà Nội xa hơn như Vân Côn, giá đất nền khoảng 13 triệu đồng/m2, tăng khoảng 1 triệu so với 1 - 2 năm trước.

Bà Vân, sống gần thị trấn Trạm Trôi, cho hay giá đất nền ở khu vực này rất đa dạng, có lô 40 - 50 triệu đồng/m2 nhưng cũng có lô lên đến 200 triệu đồng/m2.

an theo thong tin huyen len quan gia dat hoai duc tang cao nhat 50
Giá đất tại một số khu vực ở huyện Hoài Đức, Hà Nội tăng, có nơi tăng 50% nhưng giao dịch không sôi động. Ảnh: Lâm Tùng.

Thị trấn Trạm Trôi nằm dọc trục đường 32 - khu vực được đánh giá có hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt khi dự án metro tàu điện trên cao Nhổn – Ga Hà Nội đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Trên thực tế, đất nền, đặc biệt là các lô đất mặt đường ở thị trấn Trạm Trôi đã có mức giá cao từ nhiều năm gần đây. Giao dịch thực tế đã ghi nhận mức giá từ 150 đến xấp xỉ 200 triệu đồng/m2 đối với một số lô đất. Tuy nhiên, theo khảo sát, hiện giao dịch đất nền ở khu vực này không quá sôi động.

Cẩn trọng với những hệ luỵ

Đại diện một văn phòng nhà đất ở An Khánh cho biết: “Hiện giao dịch đất nền trên địa bàn các xã An Khánh, Song Phương, An Thượng đều xuất phát từ nhu cầu thực, không có hiện tượng ôm đất và cũng không có quỹ đất để ôm. Do vậy có thể khẳng định không có hiện tượng thổi giá đất hay bong bóng đất động sản trên địa bàn”.

Tuy nhiên, theo vị này, hiện người mua vẫn có tâm lý cẩn trọng khi “rót” tiền cho các lô đất trên địa bàn khi soi chiếu với các hệ luỵ nhãn tiền.

Ở An Khánh, giai đọan 2006 - 2007 cũng từng gắn với cơn sốt đất nền khi có quy hoạch xây dựng các dự án khu đô thị. Thời điểm ấy, có quy hoạch dù được duyệt hay chưa được duyệt thì các lô đất nền cũng được bán với giá cao. Tuy nhiên, ngay khi cơn sốt dừng, giá đất nền “rơi tự do” khiến nhiều người ôm đất lao đao.

Trên thực tế, giá đất Hoài Đức đã từng lên cơn “sốt” giai đoạn 2011-2014 khi có thông tin huyện này sắp lên quận. Lúc bấy giờ, giá đất đã từng tăng đến đỉnh điểm, cao gấp 3, 4 lần so với trước đó. Một số lô đất bình thường được thổi lên đến 40-50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, việc thổi giá chủ yếu là do cò đất. Ngay sau đó, thị trường rơi xuống đáy vực, có lô từng chào bán 40-50 triệu đồng/m2 nhưng sau đó chỉ còn 10-15 triệu đồng/m2.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng nhắc lại giai đoạn 2006 - 2007 là đỉnh điểm của sốt đất. Toàn bộ khu An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) ở tình trạng "có đất, quy hoạch chi tiết xây dựng nhà không cần biết có ở được hay không đã bán được tiền".

Sốt đất tại đây tạo nên những dự án bất động sản, khu đô thị và đến khi sốt dừng thì giá xuống rất thấp, để lại hệ luỵ là những dự án bỏ hoang cho cỏ mọc, nằm giữa cánh đồng.

Huyện lên quận mới chỉ là thay đổi hành chính, chưa có quy hoạch, hạ tầng

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Hà Nội, nhận định giá đất nền Hoài Đức tăng kể từ khi có thông tin huyện này lên quận và quy hoạch các tuyến đường vành đai 3,5 và vành đai 4, dự báo khả năng phát triển kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, ông Đính cho rằng mức giá bất động sản “đón đầu quy hoạch” là ko đảm bảo tính chắc chắn. Vị này đưa ra ví dụ về thị trường BĐS Đông Anh khi thị trường này từng sốt nóng với thông tin xây dựng cầu, nâng cấp hạ tầng giao thông và đầu tư phát triển chuyển đổi thành đô thị trung tâm của thành phố. Song qua nhiều năm, các dự án vẫn chưa đi vào thực tế nên các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Đính cảnh báo: “Đối với Hoài Đức, thông tin xã lên phường, huyện lên quận thực tế mới chỉ là sự thay đổi hành chính, địa danh, chưa có các quy hoạch và hạ tầng cụ thể nên các nhà đầu tư, người dân khi mua cần cân nhắc, thận trọng, đặc biệt chú trọng tính pháp lý, nghiên cứu quy hoạch phát triển toàn vùng cũng như quy hoạch khu vực diễn ra mua bán”.

Xem thêm

Lâm Tùng