|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ẩn số giá dầu làm đau đầu nhiều doanh nghiệp

14:21 | 10/02/2017
Chia sẻ
Xuyên suốt tình hình dầu mỏ thế giới năm 2016 là tình trạng cung vượt cầu, nên giá dầu tăng không ổn định. Năm 2017, dù giá dầu tiếp tục được dự báo lạc quan, song nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn tỏ ra dè dặt trong việc lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
an so gia dau lam dau dau nhieu doanh nghiep
Nhiều doanh nghiệp dầu khí lớn như PVD, PVS, PXS… đều giảm mạnh chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trong năm nay

Từ ẩn số giá dầu…

Nhìn nhận xu hướng giá dầu trong năm 2017, ông Lê Anh Minh, Giám đốc Phân tích CTCK VPBank cho rằng, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu gần đây với mức cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày giữa các nước trong và ngoài OPEC không mang lại nhiều lạc quan, bởi nhà đầu tư vẫn rất thận trọng về việc số lượng dàn khoan tại Mỹ tăng liên tiếp trong 11 tuần qua nhằm tăng cung sản lượng dầu trong tương lai.

Bên cạnh đó, sự lấn cấn về mức độ tuân thủ của các nước chấp nhận cắt giảm sản lượng, hay sản lượng dầu tăng lên đối với các nước OPEC được miễn thỏa thuận (Libya và Indonesia) do điều kiện kinh tế khó khăn phát sinh từ cuộc xung đột vũ trang gần đây… cũng là một ấn số với giá dầu. Hiện nay, giá dầu Brent dường như đã đạt đến trạng thái cân bằng, ở mức 52-57 USD/thùng, dù tiếp tục dư cung.

Thực tế, từ giữa tháng 1/2016, trữ lượng dầu thô của Mỹ đã đạt 1,18 tỷ thùng, trong đó dự trữ dầu chiến lược giảm 0,12% so với tuần trước đó, nhưng tăng tới gần 2,6% theo năm. Đến tháng 12/2016, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt 8,89 triệu thùng/ngày, giảm 6,3% theo năm, nhưng tăng 2,6% theo tháng.

Năm 2017, OPEC dự đoán rằng, tổng nhu cầu trên toàn thế giới có thể đạt 95,6 triệu thùng/ngày, cao hơn mức nhu cầu năm 2016 là 1 triệu thùng/ngày. OPEC cũng dự báo nguồn cung toàn cầu trong năm 2017 sẽ giảm 0,2 triệu thùng/ngày, xuống mức 95,4 triệu thùng/ngày.

Nếu các nước trong và ngoài OPEC tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận, có nghĩa là ít nhất 70% tổng số lượng cắt giảm thỏa thuận được thực hiện và sản lượng dầu sản xuất của các công ty Mỹ là vừa phải, VPBS dự báo, giá dầu Brent có thể lên tới 60 USD/thùng trong quý I/2017 và 63 USD/thùng trong quý II/2017, trước đó, có thời điểm giá dầu Brent tăng lên mức 57,17 USD/ thùng (ngày 30/12/2016).

Ngược lại, nếu tỷ lệ tuân thủ thấp hơn so với dự kiến, giá dầu Brent được dự báo sẽ dao động chủ yếu trong phạm vi 50-55 USD/thùng trong năm 2017.

VPBS cho biết, việc đưa ra dự báo thận trọng là phù hợp với triển vọng không kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu hơn 6 tháng cho các công ty sản xuất dầu, theo thông báo của Bộ trưởng Bộ năng lượng của Ả Rập Xê-út, người có tầm ảnh hưởng nhất trong OPEC.

Ở một góc nhìn khác, CTCK Maritime (MSI) cho rằng, thỏa thuận lịch sử về cắt giảm sản lượng dầu của các nước trong khối OPEC lên tới 1,2 triệu thùng/ngày từ 1/1/2017 tiếp tục được đánh giá là tín hiệu tích cực với giá dầu trong năm. Ngoài ra, các nước ngoài khối OPEC, trong đó có Nga, cũng có kế hoạch cắt giảm 558.000 thùng/ngày.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nếu tất cả các bên thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng, thị trường có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu dầu trong nửa đầu năm 2017, với mức thiếu hụt ước tính khoảng 600.000 thùng/ngày, hoặc ít nhất trở về trạng thái cân bằng cung cầu.

MSI tin rằng, giá dầu có thể hồi mạnh mẽ vượt mức 60 USD/thùng nhờ nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng, do dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc nhẹ khi các thị trường mới nổi như Brazil và Nga sẽ phục hồi trở lại sau thời gian suy thoái.

…đến sự dè dặt của doanh nghiệp dầu khí

Tổng CTCP Khoan và kỹ thuật khoan dầu khí – PVDrilling (PVD) là 1 trong 3 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí, tuy nhiên, PVD cũng là doanh nghiệp có mức giảm doanh thu và lợi nhuận ròng mạnh nhất trong năm 2016, lần lượt là 61,9% và 94,5% so với năm 2015.

Chia sẻ với Báo Đầu tư chứng khoán, đại diện PVD cho biết, hiện Công ty vẫn đang xây dựng kế hoạch năm 2017, nhưng dự kiến không cao hơn so với năm 2016, do năm nay tiếp tục là một năm khó khăn, thử thách đối với PVD. Cũng theo vị đại diện này, hiện tại, số giàn khoan của PVD chỉ hoạt động khoảng 50% tổng công suất.

Nhằm ứng phó với tình hình biến động của giá dầu và ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh, PVD tiếp tục bám sát các giải pháp chủ yếu đối với việc thực hiện kế hoạch năm 2017. Trong đó, giải pháp trước mắt là cực tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Chuyên gia của VPBS thì chia sẻ lo ngại, các doanh nghiệp đầu ngành như PVD, PVS, PVC, PGS sẽ tiếp tục sụt giảm lợi nhuận trong năm 2017 vì khối lượng công việc không cải thiện, trong khi giá đầu ra nhiều dịch vụ dầu khí có thể bị khách hàng ép giá.

Theo ông Lê Anh Minh, nếu giá dầu không cải thiện, dự kiến về lợi nhuận sau thuế sơ bộ của PVD trong năm 2017 giảm 38,8% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế giảm 8%. Đối với PGS, lợi nhuận ròng dự kiến giảm khoảng 41%, chủ yếu do không còn doanh thu từ công ty con CNG vì đã hoàn tất thoái vốn.

Với PVC, ông Minh đưa ra dự kiến công ty này lỗ 40 tỷ đồng (cao hơn mức lỗ năm 2016 khoảng 17%). Tuy vậy, trên cơ sở giá dầu trung bình cao hơn 2016, VPBS cho rằng, GAS sẽ có diễn biến khác, với dự báo sản lượng khí tự nhiên tăng 4,1% và giá bán trên bao tiêu bình quân tăng 8% so với năm ngoái, theo đó, lợi nhuận sau thuế của GAS có thể tăng 9,6% theo năm.

Nhìn vào kế hoạch thực tế của một số doanh nghiệp ngành dầu khi cho thấy, việc thận trọng là không thừa. Chẳng hạn, năm 2017, PVS xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên kịch bản thấp về giá dầu, cụ thể là 13.000 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, thấp hơn khoảng 35% so với mức thực hiện năm 2016.

Là một trong nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ sự biến động của giá dầu, Tổng CTCP Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (PVC) cho biết, việc giá dầu thô biến động mạnh đã ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của PVC trong năm 2015 và 2016.

Một số nhà thầu còn giãn tiến độ khoan và yêu cầu giảm giá thành sản phẩm. HĐQT PVC đã thông qua chỉ tiêu tài chính 2017, với tổng doanh thu hợp nhất 2.660 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng với Công ty mẹ, tổng doanh thu dự kiến 1.889 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng và cổ tức 14%.

Dù ít chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá dầu hơn so với nhiều doanh nghiệp trong ngành, nhưng lãnh đạo CTCP Kết cấu kim loại dầu khí (PXS) cho hay, giá dầu cũng có tầm ảnh hưởng lớn tới việc PXS mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.

Năm 2016 là năm PXS chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh, khi có sự sụt giảm khá mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế, với doanh thu ước đạt 1.550 tỷ đồng, giảm 11,2% và lợi nhuận đạt 110 tỷ đồng, giảm hơn 20%, hoàn thành khoảng 75% kế hoạch. Theo PXS, nguyên nhân chính của sự suy giảm này đến từ việc chậm tiến độ tại các dự án dầu khí và năng lượng trên bờ.

Về kế hoạch năm 2017, hiện PXS vẫn chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng theo dự phóng của CTCK Rồng Việt (VDSC), doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2017 của PXS sẽ đạt 1.200 tỷ đồng và 80 tỷ đồng, thấp hơn so với mức thực hiện trong năm 2016 với lý do một số dự án của Công ty chưa kịp hạch toán trong năm 2017.

Tuy vậy, PXS đã ký kết thành công Gói thầu G của dự án Lọc hóa dầu Long Sơn, với ước tính giá trị ghi nhận vào khoảng 110 triệu USD (tương ứng 2.200 tỷ đồng) được chia đều trong 3 năm, từ 2017-2019. Với thời gian khởi công của dự án vào tháng 3/2017 và phần xây lắp sẽ thực hiện vào nửa sau năm 2018, đây sẽ là bước đệm tốt cho sự cải thiện của PXS trong tương lai.

Hoàng Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.