|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường trong niên vụ 2021 - 2022

20:55 | 29/05/2022
Chia sẻ
Đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm nước này hạn chế xuất khẩu đường nhằm ngăn chặn đà tăng của giá mặt hàng này ở thị trường nội địa trong bối cảnh các nhà máy đổ xô bán hàng sang nước ngoài.

Reuters cho biết Ấn Độ áp lệnh hạn chế xuất khẩu đường trong niên vụ 2021 - 2022 (bắt đầu từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022) ở mức 10 triệu tấn.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm nước này hạn chế xuất khẩu đường nhằm ngăn chặn đà tăng của giá mặt hàng này ở thị trường nội địa trong bối cảnh các nhà máy đổ xô bán hàng sang nước ngoài. 

Chính phủ Ấn Độ đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải có giấy phép mới được xuất khẩu trong giai đoạn từ ngày 1/6 đến ngày 31/10. 

Ấn Độ hiện là quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới và xuất khẩu đứng thứ hai sau Brazil. 

Trước đó, hồi tháng 3, Ấn Độ lên kế hoạch giảm lượng đường xuất khẩu nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung trong nước. Giá đường trắng tại sàn London tăng hơn 1% sau quyết định của chính phủ Ấn Độ.

“Chính phủ đang lo lắng khả năng sẽ xảy ra lạm phát thực phẩm và đó là lý do tại sao họ đang cố đảm bảo đủ nguồn cung đường trong nước, nhất là khi mùa lễ hội đang đến gần”, một doanh nghiệp đường tại Mumbai cho biết.

Các nhà xuất khẩu cho biết quyết định cho phép tổng lượng xuất khẩu ở mức tối đa 10 triệu tấn sẽ giúp Ấn Độ đưa một lượng hàng vừa phải ra thị trường thế giới . 

Ban đầu, Ấn Độ dự định chỉ xuất khẩu tối đa 8 triệu tấn, thế nhưng sau đó chính phủ nước này quyết định nâng lên 10 triệu tấn do sản lượng niên vụ 2021-2022 được dự báo cao hơn so với niên vụ trước đó. 

Hiệp hội các Nhà máy đường Ấn Độ mới đây điều chỉnh dự báo sản lượng đường từ mức 31 triệu tấn ở lần dự báo trước đó lên 35,5 triệu tấn.

Các nhà máy cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 9,1 tấn đường trong niên 2021 - 2022. Trong đó, 8 triệu tấn đã được xuất đi.

Ngoài đường, Ấn Độ mới đây cũng cấm xuất khẩu mặt hàng lúa mì. Nước này đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao với chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2022 tăng tới 7,8% - mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Giá nhiều mặt hàng lương thực tăng vọt là một trong những nguyên nhân chính khiến lạm phát tại Ấn Độ tăng mạnh. 

Theo CNN, giới chuyên gia nhận định đây cũng được xem là những dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ lương thực đang gia tăng trên toàn thế giới khi các nhà sản xuất lớn hạn chế xuất khẩu nông sản trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. 

Tháng trước, Ngân hàng Thế giới cho biết cuộc xung đột này đã góp phần gây ra một cú sốc lớn trong lịch sử thị trường hàng hoá. Giá lương thực dự kiến tăng khoảng 23% trong năm nay do giá lúa mì tăng 40%. 

H.Mĩ