|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'All in' vào VPB và lỗ phải bán nhà, CEO Passion Investment trải lòng ' liên tiếp thành công khiến tôi tự tin thái quá'

15:36 | 19/01/2022
Chia sẻ
Theo ông Lã Giang Trung, nếu chọn phương pháp "bỏ trứng vào một giỏ" thì bí kíp để trông chiếc giỏ cẩn thận là theo sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và diễn biến giá cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu đi ngược với kỳ vọng thì chắc chắn quyết định đầu tư đã sai.

"All-in" do tự tin quá mức

Giới đầu tư đã quá quen thuộc với lý thuyết không "bỏ hết trứng vào một giỏ". Tuy nhiên, năm 2021, phong cách "all-in" (mua một mã với tỷ trọng lớn - PV) trở thành xu hướng, khiến nhà đầu tư chỉ tập trung vào một mã thuộc một ngành. 

Trong men say chiến thắng, nhà đầu tư tiếp tục đi theo xu hướng, đổ càng nhiều tiền vào những mã đầu cơ nhưng đợt giảm điểm này khiến không ít người mất hết thành quả tích lũy trong nhiều tháng.

Theo dõi những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán trải qua cơn sụt giảm bất ngờ khiến cả những nhà đầu tư rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí bị bán giải chấp tài khoản. Trong đó, danh mục thua lỗ nặng nhất có lẽ là các nhà đầu tư chơi theo lối all-in.

Trong chương trình Bí mật đồng tiền của VTV tổ chức trưa nay (19/1), ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment đã chia sẻ về chính những sai lầm của mình trong quá khứ khi tất tay vào cổ phiếu VPB và chịu hậu quả nặng nề đến mức phải bán nhà. 

"Kể cả NĐT chuyên nghiệp hay NĐT cá nhân đều có quá trình tiến hoá. Năm 2015 - 2018, tất cả quyết định đầu tư của Passion đều đúng. Việc liên tiếp thành công khiến tôi tự tin thái quá và gánh khoản lỗ đến vài trăm tỷ đồng". 

Trên lập trường của một tổ chức được uỷ thác đầu tư, ông Trung cũng lý giải tại sao việc Passion Investment theo trường phái all-in. Theo ông Trung, đa phần các NĐT nổi tiếng trên thế giới không hướng đến đa dạng hoá danh mục quá lớn, đơn cử như Warren Buffet dành 50% trong số 300 tỷ USD tài sản của mình vào cổ phiếu Apple. Đối với NĐT chuyên nghiệp, đây là sứ mệnh bắt buộc phải làm.

Bí kíp dắt lưng để tất tay

Sau những trải nghiệm đau thương năm 2018, ông Lã Giang Trung đã nhìn ra điểm yếu của bản thân và vượt qua cái tôi của mình. "Nếu tỷ lệ thắng là 100% thì all-in, nếu không thì sẽ giảm tỷ lệ đặt cược xuống, việc này phụ thuộc vào nghệ thuật đầu tư." 

Hiện phong cách đầu tư của Passion Investment không còn là all-in, vẫn đầu tư tập trung nhưng ở một tỷ lệ vừa phải.

Công thức để tồn tại sau vấp ngã và lấy lại niềm tin của ông Trung chính là điều chỉnh cách đầu tư, quản trị rủi ro, lắng nghe ý kiến phản biện và phải chấp nhận sự thật  "bất kỳ quyết định nào vào một thời điểm nào cũng có khả năng sai". 

CEO Passion Investment đưa ra lời khuyên với những NĐT lỡ liều mình theo những con sóng đầu cơ là cần cắt lỗ ít nhất 50% và nghiên cứu lại quyết định của mình. Nếu NĐT chìm đắm trong thua lỗ thì sẽ cảm xúc lấn át lý trí, bị đông cứng tư duy và không thể đưa ra quyết định sáng suốt. 

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research cũng chung quan điểm all-in là trò chơi may rủi như việc đánh bạc. "NĐT nhỏ lẻ nên đa dạng hoá danh mục, đầu tư vào chứng chỉ quỹ chỉ số. Trong 10 lần all-in thì 9 lần đúng, Win-index tới 90% nhưng rất có thể lần sai thứ 10 sẽ khiến NĐT mất hết nếu không quản trị rủi ro tốt". Theo quan điểm cá nhân, ông Hưng sẽ chỉ all-in khi ở vị thế tốt.  

Ai đầu tư lâu năm cũng biết nguyên tắc "không bỏ hết trứng vào một giỏ", nhưng cũng có trường phái "bỏ trứng vào một giỏ và trông giỏ cẩn thận". Ông Lã Giang Trung cho rằng bí kíp để trông chiếc giỏ này là theo sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và diễn biến giá cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu đi ngược với kỳ vọng thì chắc chắn quyết định của mình đã sai.

Bảo Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.