|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Alibaba chứng kiến quý tăng trưởng chậm nhất kể từ khi IPO giữa bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều bất ổn

07:26 | 27/05/2022
Chia sẻ
Doanh thu trong quý I của Alibaba mặc dù vẫn vượt qua dự đoán của nhiều chuyên gia, song vẫn là quý tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2014.

Sự tăng trưởng của Alibaba Group Holding trong năm tài chính 2022 đối mặt với những bất ổn cả trong và ngoài nước khi Trung Quốc vẫn đang thực hiện các chính sách chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt và khu vực Đông Nam Á cố gắng phục hồi sau đại dịch, theo Asia Nikkei.

Tăng trưởng chậm lại

Trong một cuộc họp với các nhà phân tích, Daniel Zhang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba, cho biết các doanh nghiệp trong nước đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 kể từ giữa tháng 3, đặc biệt là ở Thượng Hải, dẫn tới việc doanh thu tăng trưởng trong tháng 4 thấp hơn cùng kỳ năm trước

Trước những bối cảnh không chắc chắn của thị trường, Alibaba đã không đưa ra những dự báo cho năm tài chính 2022 như thông thường. Ông Zhang cho biết Alibaba cũng phải đối mặt với những rủi ro bên ngoài Trung Quốc. Từ tháng 1 đến tháng 3, tăng trưởng đơn đặt hàng của Lazada, chi nhánh thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á của gã khổng lồ Trung Quốc, đã chậm lại còn 32% so với cùng kỳ năm ngoái do người dân dần quay về hình thức mua sắm trực tiếp. Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đạt tốc độ tăng trưởng đơn hàng cao hơn mức trung bình trong khu vực.

"Trong năm tài chính mới, chúng tôi sẽ tập trung hơn vào việc kiểm soát chi phí và tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động, bao gồm việc cải thiện các hoạt động kinh doanh thua lỗ, cải thiện chu kỳ tiền mặt và tăng cường hiệu quả đầu tư vào nhân sự, tài sản cố định và các lĩnh vực khác để duy trì sự linh hoạt về tài chính trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn", CEO Alibaba nhấn mạnh.

Doanh thu quý I của Alibaba tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 204,05 tỷ nhân dân tệ (30,3 tỷ USD). Con số này mặc dù vượt qua dự đoán của các chuyên gia, song vẫn đánh dấu mức tăng trưởng theo quý chậm nhất kể từ khi công ty được niêm yết vào năm 2014. Không chỉ Alibaba, nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng báo cáo mức tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh có nhiều bất ổn.

 Alibaba có quý tăng trưởng doanh thu chậm nhất kể từ năm 2014. (Ảnh: Asia Nikkei).

Trong năm tài chính 2021, Alibaba ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 19% so với năm tài chính 2020. Con số thực tế này đã thấp hơn mục tiêu tăng trưởng từ 20% đến 23% được tập đoàn công bố vào tháng 11/2021.

Tổng kinh doanh thương mại tại Trung Quốc, chiếm khoảng 69% doanh thu của Alibaba, đạt 140,33 tỷ nhân dân tệ, tăng 8% so với một năm trước trong quý I. Trong khi đó, mảng bán lẻ thương mại quốc tế tăng trưởng 7%, chủ yếu nhờ vào Lazada và chi nhánh thương mại điện tử Trendyol tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, những lợi nhuận đó lại bị che mờ một phần một phần bởi lượng đơn đặt hàng giảm tại AliExpress do sự thay đổi trong các quy định về thuế GTGT của Liên minh Châu Âu cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Nguồn doanh thu quan trọng nhất của Alibaba là từ nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao và phí quản lý khách hàng của Tmall, bao gồm cả doanh thu từ quảng cáo và hoa hồng. Con số này chiếm 31% tổng doanh thu trong quý đầu năm nay, đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Mảng kinh doanh điện toán đám mây, bao gồm Alibaba Cloud và DingTalk, chứng kiến quý đầu tiên có lãi, tạo ra doanh thu 18,97 tỷ nhân dân tệ trong quý I, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng chậm của mảng kinh doanh điện toán đám mây là do một số yếu tố, bao gồm sự sụt giảm trong các hoạt động của công ty và sự chậm trễ trong việc phân phối dự án do các hạn chế của dịch bệnh COVID-19.

Ông Daniel Zhang gọi những yếu tố hiện tại là "tạm thời", nói thêm rằng "quá trình số hóa các ngành công nghiệp khác chỉ mới bắt đầu và chúng tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội phía trước”.

Kể từ ngày 31/3, Alibaba Cloud cung cấp dịch vụ điện toán tại 27 khu vực trên toàn cầu, bổ sung thêm các trung tâm dữ liệu internet mới ở Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Đức.

Giá cổ phiếu sụt giảm

Giá cổ phiếu Alibaba đã giảm khoảng 1/3 giá trị kể từ đầu năm. Kết phiên giao dịch ngày 26/5, giá cổ phiếu Alibaba niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong được giao dịch ở mức 81,1 HKD/cổ phiếu.

Sự sụt giảm diễn ra sau lời cảnh báo của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường một ngày trước đó rằng Trung Quốc có thể phải vật lộn để đạt được tỷ lệ tăng trưởng tích cực trong quý II do các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt của nước này đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế và khiến các chính quyền địa phương phải vật lộn để giữ mọi thứ ổn định.

Tuần trước, đối thủ của Alibaba là JD.com, cũng báo cáo doanh thu cả năm 2021 tăng 18% lên 239,7 tỷ nhân dân tệ. Mặc dù lưu lượng truy cập và số lượng người dùng tăng, CEO Xu Lei vẫn đưa ra cảnh báo rằng nền kinh tế bất ổn đã ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người tiêu dùng, do giá trị giao dịch trung bình trên nền tảng này thấp hơn những năm trước.

Trong tháng 4, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm 11,1% so với năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch, và sản lượng công nghiệp cũng giảm 2,9%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5,8% lên 6,1% trong tháng Ba.

 

Năm nay, Alibaba có thể sẽ cắt giảm tới 30% nhân viên tại mảng DingTalk cũng như khoảng 15% nhân viên trong các đơn vị kinh doanh khác nhau. Tính đến ngày 31/3, Alibaba có 254.941 nhân viên, giảm đôi chút so với mức 259.316 nhân viên vào cuối năm 2021.

Quốc Anh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.