'Ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi, không phải cứ xử tử hay chung thân mới là tốt'
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy trước những kiến nghị, thắc mắc của cử tri liên quan đến công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) trong buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm) sáng 13.5.
Cử tri băn khoăn tình trạng “trên lò cháy đùng đùng, dưới vẫn im ắng”
Sau khi hội nghị nghe báo cáo của Đoàn ĐBQH, các cử tri đã tiến hành gửi các câu hỏi, gửi gắm tâm tư nguyện vọng của cử tri tới các đại biểu.
Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) nêu, chúng ta tổ chức kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên đã nhiều năm nhưng hiệu quả rất thấp, chỉ đến khi báo chí phát hiện hoặc pháp luật “sờ” đến mới thấy sao tài sản “khủng” thế.
“Tôi nghĩ, Đảng có thể làm được, người dân có quyền đòi hỏi những cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng, những người đi đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải trong sạch, phải gương mẫu. Vì vậy khi Đảng yêu cầu, anh phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc tiền ở đâu ra và phải có một sự giải trình nghiêm túc chứ không phải theo kiểu “buôn chổi đót, xây biệt phủ”.
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh T.Q |
Theo cử tri, việc chống tham nhũng ở trung ương làm rất mạnh, lò cháy đùng đùng, nhưng ở địa phương thì vẫn còn im ắng quá. Có một số vụ báo chí phát hiện thì làm cho qua chuyện, người dân phản ứng mạnh buộc trung ương phải vào cuộc như Quảng Nam, Thanh Hóa…
Để chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất, chỉ riêng trung ương làm thì chưa đủ, rất cần có sự chung tay của các địa phương, chúng ta đã đặt rất nhiều câu hỏi để giải quyết như ai chạy, chạy ai? Cử tri đặt câu hỏi vì sao có hiện lượng trên nóng, dưới lạnh, làm thế nào để chuyển lửa về địa phương?
Chống tham nhũng "làm đến cùng, không bỏ dở"
Qua lắng nghe ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh cử tri đã có nhiều đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng, đề cập nhiều vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực như: An ninh mạng, Luật Giáo dục, Quy hoạch...
Nhóm vấn đề thứ hai là nội dung liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.
Tổng Bí thư cho biết, các kiến nghị của cử tri sẽ được tổng hợp báo cáo Quốc hội để nghiên cứu tiếp thu, phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém và triển khai các vấn đề có hiệu quả trong triển khai thực tế.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua tiếp xúc cử tri cho thấy nội dung đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực luôn được cử tri, nhân dân quan tâm. Vừa qua, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã đạt được một số kết quả, bước đầu nhận được sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân. Đồng thời, cuộc đấu tranh trên phải có sự ủng hộ của toàn bộ nhân dân thì mới có thể thành công.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ chống mà lâu dài cần phải xây. Chống tham nhũng tiêu cực phải làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống, nhưng không phải cứ nhăm nhăm chống, mà quan trọng là phải xây để ngăn ngừa, răn đe. Như tôi đã từng nói, ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi. Như thế là tốt nhất. Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát. Bất đắc dĩ lắm mới sử dụng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình…”
Hiện nay phong trào phòng chống tham nhũng đang phát triển thành xu thế, lò nóng rực rồi. Tổng Bí thư cho hay, việc này sẽ tiếp tục được làm tới cùng, không bỏ giữa chừng. Còn nhiều việc phải làm và phải làm đến cùng, nhưng phải có phương pháp, làm cho đúng đắn, hiệu quả.
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh T.Q |
Trong buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập tới các vấn đề như không chỉ việc phòng chống tham nhũng mà việc tiết kiệm chống lãng phí cũng được chỉ đạo rất chặt chẽ. Chống tham nhũng phải kết hợp với thực hiện các Nghị quyết của T.Ư cho đồng bộ, như Nghị quyết T.Ư 6 về sắp xếp, tinh giản bộ máy, hay Nghị quyết T.Ư 7 về cải cách tiền lương, BHXH, cũng là tạo điều kiện, phối hợp và ngăn chặn lãng phí.
Tổng Bí thư dẫn lại một số ví dụ như: Từ việc đưa ra các quy định về lễ tết, tổ chức lễ hội…, đến việc thu hồi tài sản nhiều hơn nữa, hiện nay đã khuyến khích theo hướng công khai.
Riêng vụ Mobifone mua AVG gây thiệt hại cho nhà nước 8.800 tỷ, cơ quan mua đang hứa trả lại toàn bộ tiền, trên thực tế đã thu hồi được 8.500 tỷ.
Các vụ án gần đây đưa ra xét xử một loạt bị cáo xin nộp lại tiền để giảm án. Đây là những kết quả bước đầu, tuy nhiên còn nhiều việc phải làm, không thể chủ quan được nên đề nghị cử tri tiếp tục giám sát.
“Tại buổi tiếp xúc cử tri lần trước, cử tri nói trường hợp ông Đinh La Thăng xử như vậy nhẹ quá. Nhưng tôi bảo trường hợp này còn đang làm. Giờ toà án đưa ra mức 30 năm tù, rồi bị khai trừ đảng. Với một nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, bị xử lý như vậy, trong lịch sử đã có chưa?”, Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, tinh thần là phát huy kết quả đã đạt được vừa qua, và sắp tới phải quyết liệt, làm có hiệu quả hơn, có sự đồng lòng cao hơn nữa, nhưng cũng phải xác định đây là việc làm lâu dài, không sốt ruột.