|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ai đủ sức mua các đại gia bia, sữa?

11:13 | 09/09/2016
Chia sẻ
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định bán tiếp cổ phần nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)… gần đây được cho là cơ hội cho các

Có đến 10 doanh nghiệp nằm trong danh sách các công ty trong đợt thoái vốn được bàn đến, nhưng sức nóng lớn phải kể đến là hai công ty Sabeco và Vinamilk - lâu nay đã nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư, tập đoàn nước ngoài sau khi Chính phủ quyết định cổ phần hóa.

Các hãng bia ngoại tranh mua Sabeco

Hôm 8-9, Bloomberg dẫn lời ông Lê Hồng Xanh,Tổng giám đốc Sabeco, cho biết hãng bia Heineken của Hà Lan, Anheuser-Busch và SABMiller cũng như Asahi của Nhật và Kirin Holdings đang nằm trong nhóm 7 công ty, tập đoàn nước ngoài đăng ký mua của phần của Sabeco.

Cuối tháng rồi, Bộ Công Thương thông báo Chính phủ dự kiến bán toàn bộ 89,59% cổ phần nhà nước tại Sabeco, có giá trị khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ, cùng với 82% cổ phần tại Tổng công ty CP Bia Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Habeco), giá trị khoảng 404 triệu đô la Mỹ. Trong năm nay, Chính phủ sẽ bán đấu giá 53,59% số cổ phần và phần còn lại sẽ được thực hiện vào năm 2017.

“Sabeco không chú trọng đối tác là công ty trong nước hay nước ngoài. Những gì chúng tôi quan tâm là ai sẽ trả giá cao nhất. Chính phủ cũng mong muốn Sabeco bán cổ phần sớm nhất có thể”, ông Xanh trả lời phỏng vấn Bloomberg tại trụ sở chính của công ty ở TPHCM.

Hai hãng đồ uống lớn của Thái Lan là Singha và Thai Beverage cũng đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Sabeco. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì đang nằm trong danh sách nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, danh sách này vẫn chưa phải là cuối cùng vì các doanh nghiệp có thể rút tên hoặc đăng ký mua thêm.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, đại diện của Asahi cho biết hãng thật sự quan tâm muốn mua cổ phần của Sabeco, trong khi AB InBev, Kirin, SSI và Heineken đã từ chối đưa ra ý kiến. Và Thai Beverage và Singha cũng chưa đưa ra ý kiến lúc này.

Tuy nhiên, Sabeco phải niêm yết trước khi tổ chức bán đấu giá vì Chính phủ mong muốn mức giá bán cổ phần sẽ do thị trường quyết định.

Thực tế không phải đến bây giờ các hãng bia lớn đến từ châu Âu và châu Á này mới "xếp hàng" để được mua cổ phần của Sabeco.

Sabeco đang chiếm lĩnh hơn 45% thị phần bia với các thương hiệu như bia 333 hay bia Sài Sòn. Do đó, hàng loạt hãng bia ngoại trong thời gian qua đã lên tiếng muốn trở thành đối tác chiến lược mua cổ phần của Sabeco. Với việc nhiều hãng bia ngoại muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco, giới phân tích cho rằng không có gì lạ bởi Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn trên thế giới và Sabeco được đánh giá là “miếng ngon” béo bở, đang thống lĩnh thị trường bia Việt Nam.

Mua cổ phần Sabeco sẽ cho phép các đối tác nước ngoài tham gia thị trường ngay bởi chi phí để thâm nhập thị trường bia Việt Nam là rất cao và tốn nhiều thời gian. Mặt khác, việc tham gia vốn vào Sabeco còn giúp họ tham gia sở hữu khoảng 20 nhà máy đang hoạt động với công suất đạt khoảng 1,8 tỉ lít bia rải đều nhiều tỉnh thành.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư nào sẽ trở thành cổ đông của Sabeco hiện giờ vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Sabeco với một thương hiệu tầm cỡ và quy mô tài sản lớn thì khó tìm được một doanh nghiệp tư nhân trong nước có đủ tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm trong ngành để trở thành cổ đông chiến lược tham gia phát triển ngoại trừ SSI không hoạt động trong ngành.

Và Vinamilk

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nắm đến trên 45% cổ phần tại công ty sữa lớn nhất nước Vinamilk và lợi nhuận từ doanh nghiệp này đem lại cho SCIC là rất lớn trong nhiều năm qua.

Tính theo giá thị trường, khoảng 45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ có trị giá hàng tỉ đô la Mỹ. Và theo giới phân tích, SCIC có thể thu về nguồn vốn lớn nếu bán khối lượng lớn cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài vì lâu nay khối ngoại thường giao dịch Vinamilk với giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%.

Vào tháng 11 năm ngoái, một nguồn tin đáng tin cậy của TBKTSG Online cho biết Tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N), do tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi quản lý, đã đánh tiếng qua trao đổi thư với đại diện của Vinamilk về mối quan tâm của họ đối với việc Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại đây. Khi đó, F&N chào giá 4 tỉ đô la Mỹ cho số cổ phần Nhà nước sẽ thoái.

Và trung tuần tháng 8 rồi, F&N tiếp tục cho biết đang tìm kiếm một vài thương vụ để mua lại nhằm gia tăng thị phần tại Đông Nam Á, trong đó ở Việt Nam mục tiêu tiềm năng vẫn tiếp tục là Vinamilk - VNM.

Bloomberg dẫn lời ông Lee Meng Tat, Giám đốc điều hành mảng đồ uống không cồn của F&N, cho rằng doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đang hội đủ các yếu tố thuận lợi như có thị phần lớn, thương hiệu nổi tiếng cùng mạng lưới phân phối rộng khắp để F&N có thể thực hiện thương vụ mua lại. Và đây sẽ là cách nhanh chóng để hãng thâm nhập thị trường này. Hiện F&N thông qua công ty con F&N Dairy Investments đang sở hữu khoảng 11% cổ phần và là cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk. "Nếu như có thêm cổ phiếu Vinamilk được chào bán với mức hợp lý, chúng tôi sẽ để mắt tới", Bloomberg trích lời ông Lee trước đó.

Thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép Vinamilk nới room 100% gần đây khiến giá cổ phiếu của hãng sữa này tăng cao. Từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 8 rồi, cổ phiếu VNM đã tăng gần 35% so với mức tăng 12% của VN-Index. Và dĩ nhiên với một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Vinamilk thì chắc chắn không chỉ có F&N quan tâm mua phần vốn của nhà nước.

Do đó, theo giới phân tích, để sở hữu được cổ phần VNM từ SCIC thì cái giá mà F&N đưa ra sẽ phải cao hơn lời đề nghị trước đó.

Tạm lấy cái giá khoảng 4 tỉ đô la Mỹ theo đề nghị trước đó của F&N thì theo giới phân tích số các tổ chức và doanh nghiệp trong nước có thể tham gia mua 45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ là sẽ rất hiếm hoi và có thể đếm trên đầu ngón tay. Nếu chia nhỏ 5-10% cổ phần của Vinamilk thì có thể nghĩ tới các doanh nghiệp trong nước tham gia. Như vậy, nhà đầu tư có năng lực mua được toàn phần vốn góp của SCIC xem ra cũng sẽ là doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Để thực hiện việc bán vốn, chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán; các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo đối mới doanh nghiệp trung ương phải giám sát chặt chẽ quy trình bán vốn này. Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tìm kiếm cơ hội tốt nhất để bán được với giá cao nhất để chống thất thoát vốn nhà nước. Đồng thời, việc bán vốn phải thực hiện theo quy luật thị trường, đảm bảo công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm....Như vậy rõ ràng là Chính phủ ưu tiên giá bán tốt nhất chứ không phân biệt đối tác trong nước và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo một nhà phân tích, chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhất là Vinamilk được xem là "kèo thơm" với nhiều doanh nghiệp nội, và hãy chờ kết quả, vì trong thương vụ của Sabeco có giá trị ít nhất 1,8 tỉ đô la Mỹ cũng có SSI tham gia, hay trong thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam của tập đoàn Casino trước đó với giá trên 1 tỉ đô la Mỹ đã có 3 doanh nghiệp trong nước tham gia đấu giá.

Theo Hùng Lê

TBKTSG


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/