Thế chân vạc tại Vinamilk và tham vọng của những gã khổng lồ
Theo thống kê của người viết, kể từ cuối năm 2016, cổ đông lớn F&N Dairy Investment đăng ký mua hàng chục triệu cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) với khoảng 19 lần, kết quả nhiều lần không như kỳ vọng do thị trường không thuận lợi.
Việc mua cổ phiếu Vinamilk ngày càng khó hơn khi thị giá liên tục tăng (ngoại trừ giai đoạn quý II/2018 khi cả thị trường vào xu hướng giảm), và luôn được đánh giá là một trong những bluechip tốt nhất thị trường, phù hợp đầu tư dài hạn.
Tham vọng tăng sở hữu tại Vinamilk của F&N là điều dễ dàng nhận thấy, cũng giống như công ty mẹ Thaibev thực hiện với Sabeco, nâng sở hữu lên 51% để có thể tham gia vận hành, thâm nhập vào thị trường Việt Nam… Song chặng đường của F&N tại Vinamilk không hề dễ dàng.
Hiện F&N nắm 17,31% vốn Vinamilk và là cổ đông lớn thứ hai sau SCIC - đại diện của Nhà nước với 36,01%; Platinum Victory nắm 10,03%...
Thế chân vạc tại Vinamilk |
Mục tiêu của F&N sẽ gồm mua cổ phiếu VNM trên thị trường (càng nhiều càng tốt) và chờ đợi các đợt bán vốn của SCIC. Đến nay kế hoạch bán vốn SCIC tại Vinamilk vẫn phải chờ ý kiến của Thủ tướng.
Không giống với việc thoái vốn Nhà nước cả lô như Sabeco, Thaibev sẵn sàng mạnh chi 320.000 đồng/cp để thâu tóm doanh nghiệp đầu ngành bia Việt Nam. Với Vinamilk, Nhà nước thoái vốn nhỏ giọt, khiến cho việc tích lũy cổ phần mất nhiều thời gian, chi phí.
F&N và chiến lược mua gom
Các diễn biến chính trong việc gom cổ phần VNM của F&N |
Cuối 2016, SCIC bán 9% vốn điều lệ Vinamilk (130,7 triệu cp), F&N Dairy Investment và F&N BEV Manufacturing (hai công ty anh em) mua được 60% lượng chào bán (78,4 triệu cp) với giá 144.000 đồng/cp (cao hơn khởi điểm đến 8%).
Sau đó, từ cuối 2016 – đầu 2017, F&N đăng ký mua thêm tổng cộng gần 22 triệu cổ phiếu và thành công 75%, thị giá khi đó khoảng 120.000 đồng/cp.
Từ tháng 3-5/2017, F&N đăng ký mua 3 lần tổng cộng 49 triệu cp VNM, kết quả mua được 18 triệu cp với giá 125.000 -140.000 đồng/cp.
Như vậy, thay vì mua qua đấu giá với mức khá "chát" 144.000 đồng/cp, việc mua trực tiếp trên sàn của F&N được giá “mềm” hơn. F&N thời điểm này chính là cổ đông ngoại chiếm thế thượng phong tại Vinamilk.
"Kẻ ngáng đường" Platinum Victory xuất hiện
Đến tháng 5-10/2017, cổ phiếu VNM tích lũy để vọt tăng và cũng là thời gian Nhà nước khởi động tiến trình thoái vốn. Mặt bằng giá VNM khoảng 145.000-150.000 đồng/cp.
F&N đăng ký mua thêm 5 lần, mỗi lần từ 15-22 triệu cp nhưng đều bất thành.
Cuối tháng 10/2017, cổ phiếu VNM bước vào thời kỳ tăng phi mã cho đến khi SCIC đấu giá vào ngày 10/11/2017, VNM đã tăng thêm khoảng 18%.
Bất ngờ thay, Platinum Victory xuất hiện, làm phá sản kế hoạch gom cổ phiếu VNM của F&N. Đứa con của Tập đoàn khổng lồ Jardine Matheson ôm trọn lô cổ phiếu đấu giá của SCIC, trả 186.000 đồng/cp, cao hơn khởi điểm đến 24% và hơn giá đóng cửa cùng ngày 7%.
Phong cách mua kiểu “đại gia”, dứt khoát giúp Platinum Victory gom 10% vốn VNM chỉ trong 10 ngày. Cổ đông lớn mới của Vinamilk thể hiện sự đối trọng mạnh mẽ với F&N.
Vị thế của F&N lập tức thay đổi, từ chỗ là cổ đông ngoại chiếm thế thượng phong, F&N bị Platinum Victory "phả hơi nóng ngay sau gáy" trong cuộc đua giành cổ phiếu VNM.
Giai đoạn từ tháng 12/2017 đến nay, F&N mua theo kiểu “năng nhặt chặt bị”, mua là phải được. Các ông chủ Thái Lan không còn thảnh thơi như trước nếu không muốn đi lại vết xe đổ.
F&N gom thêm được 13,8 triệu cp VNM sau nhiều lần đăng ký mua liên tục, 94% trong số đó mua tại thời điểm VNM gần tạo đỉnh, từ tháng 1-3/2018.
Diễn biến gần đây nhất, Platinum Victory quay trở lại cuộc chơi kể từ cuối 2017. Hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp Platinum Victory và F&N mỗi bên đăng ký mua vào 14,5 triệu cp trong giai đoạn VNM tạo đáy cùng với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhiều lần mua bất thành, F&N vẫn kiên trì đăng ký mua 14,5 triệu cổ phiếu Vinamilk | |
Platinum Victory muốn mua 14,5 triệu cổ phiếu Vinamilk, nâng sở hữu lên 11,6% |
Platinum Victory đứng sau là Jardine Cycle & Carriage (JC&C), công ty hàng đầu của Singapore trong lĩnh vực phân phối ô tô khu vực Đông Nam Á với các công ty thành viên tại Singapore, Malaysia, Indonesia… JC&C lại là con của Tập đoàn đa ngành hàng đầu châu Á – Jardine Matheson, mỗi năm đạt doanh thu hơn 70 tỷ USD.
Tại Việt Nam, JC&C đang nắm cổ phần tại hai doanh nghiệp lớn là Thaco (25,16%) và REE (xấp xỉ 25%). JC&C đầu tư giá trị vào các công ty đầu ngành, hàng năm thu lợi từ cổ tức. Năm 2017, JC&C lãi gần 80 triệu USD từ thị trường Việt Nam, trong đó chủ yếu đền từ Thaco (56,5 triệu USD), khoản đầu tư vào Vinamilk dù mới thực hiện cũng đã đem về trên 9 triệu USD.
Trong khi đó, Chủ tịch F&N Charoen Sirivadhanabhakdi nhận định, đầu tư chiến lược vào Vinamilk cho phép Tập đoàn giảm sự phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm như Singapore, Malaysia, Thái Lan và tham gia vào sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế Việt Nam.
Kế hoạch đến 2020, F&N xác định Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam là thị trường mới quan trọng. Năm 2018, để có một vị trí chiến lược lớn hơn tại Vinamilk, F&N dự định tăng sở hữu thêm khoảng 7,79% lên hơn 26,5% Vinamilk.
Phong cách đầu tư của F&N và Platinum Victory là hoàn toàn khác nhau, một đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp, thâm nhập thị trường - một đầu tư giá trị. Cũng không ngoại trừ khả năng, khi F&N cần nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên 51%, Platinum Victory sẽ là bên bán lại với giá cao?!
Thế chân vạc tại Vinamilk hiện có cổ đông Nhà nước SCIC và hai cổ đông ngoại F&N và Platinum Victory. Câu chuyện thoái vốn trong tương lai chắc chắn sẽ rất được chờ đợi.
Bộ 3 cổ đông lớn của Vinamilk thời điểm hiện tại (Minh họa) |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/