|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ai đã mua 630 triệu cổ phiếu Eximbank?

11:12 | 13/07/2019
Chia sẻ
Tính từ đầu năm đến ngày 12/7, hơn 630 triệu cổ phiếu Eximbank được trao tay theo hình thức giao dịch thỏa thuận.

Hơn 630 triệu cổ phiếu Eximbank được trao tay theo hình thức thỏa thuận

Theo dữ liệu giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), tính từ đầu năm đến ngày 12/7 có tổng cộng 661,5 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được các nhà đầu tư trao tay, tương ứng với giá trị giao dịch gần 11.353 tỉ đồng.

Trong đó, hơn 95% lượng cổ phiếu trên (tương đương hơn 630 triệu cổ phiếu với giá trị đạt hơn 10.800 tỉ đồng) được giao dịch thỏa thuận và chỉ có vỏn vẹn hơn 31 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trên sàn.

Đáng chú ý, các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu Eximbank không diễn ra dàn trải mà thường tập trung cục bộ vào những khoảng thời gian nhất định. 

Điển hình như từ ngày 4/1 đến 17/1 có tới gần 113 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận, hay trong thời gian 1/4 - 17/4 có gần 207 triệu cổ phiếu cũng được thỏa thuận.

eib2

Khối lượng giao dịch cổ phiếu EIB từ đầu năm. (Nguồn: HOSE)

Đi cùng với những giao dịch thỏa thuận khủng, thị giá cổ phiếu Eximbank có xu hướng tăng mạnh trong hơn 6 tháng qua. Ngày 12/7, EIB đóng cửa ở 18.200 đồng/cp, tăng 30% so với đầu năm và bỏ xa mức tăng chung của 17 ngân hàng niêm yết là khoảng 2%.

eib1

Giá cổ phiếu EIB từ đầu năm đến ngày 12/7. (Nguồn: HOSE).

Thị giá cổ phiếu tăng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh không có nhiều khởi sắc cùng với những giao dịch thỏa thuận lớn đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng xuất hiện những thế lực đang mua gom cổ phiếu Eximbank.

Những hé lộ về cơ cấu cổ đông của Eximbank

Theo báo cáo thường niên 2018 của Eximbank, tại ngày 31/12/2018 số lượng cổ phần niêm yết của ngân hàng là hơn 1.235 triệu cổ phiếu. Trong đó, 1.036 triệu cổ phiếu được tự do chuyển nhượng và hơn 199 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng.

Như vậy, hơn 630 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận từ đầu năm đến nay chiếm hơn nửa lượng cổ phiếu Eximbank được tự do chuyển nhượng. 

Mặc dù điều này không có nghĩa hơn một nửa số cổ phiếu tự do chuyển nhượng của EIB đã đổi chủ nhưng nó cho thấy phần nào sự biến động trong cơ cấu cổ đông của Eximbank.

Tính đến cuối năm 2018, cơ cấu cổ đông của Eximbank chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) với sở hữu hơn 185 triệu cp, tương đương 15% vốn điều lệ. Ngoài ra, một cổ đông tổ chức khác tại Eximbank là Vietcombank sở hữu 4,82% cổ phần.

Kể từ đầu năm đến nay, cả hai cổ đông này đều không có hoạt động thay đổi vốn góp, giữ nguyên tổng sở hữu 19,82% vốn điều lệ của Eximbank

Tại đại hội cổ đông thường niên lần hai được tổ chức vào sáng 21/6, ông Nguyễn Chấn, chồng của bà Tư Hường, người sáng lập ra Ngân hàng Nam Á và Tập đoàn Hoàn Cầu, cho biết nhóm nhà đầu tư liên quan đến Nam Á, Hoàn Cầu tính đến ngày 18/6/2019 sở hữu 32,87% cổ phần Eximbank.

nguyen-chan

Nguồn: TM tổng hợp từ cho biết của ông Nguyễn Chấn.

Trước đó, trong tháng 3, ông Chấn cũng công bố một danh sách cho thấy những người liên quan đến Ngân hàng Nam Á, Tập đoàn Hoàn Cầu tính đến tháng 2/2019 sở hữu tổng cộng 17,39% vốn điều lệ tại Eximbank. Như vậy, từ tháng 2 đến tháng 6, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này đã tăng thêm 15,48%.

Trong cuối tháng 5, Thời báo kinh tế Sài Gòn có dẫn lời lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP HCM cho biết nhóm cổ đông mới liên quan đến một tập đoàn chuyên sản xuất, phân phối một nhãn hiệu ô tô tiếng tăm của Hàn Quốc hiện sở hữu khoảng 17 - 18% cổ phần Eximbank, nhưng thời gian nắm giữ cổ phiếu của họ chưa đủ 6 tháng, nên theo điều lệ ngân hàng, họ chưa thể đề cử đại diện vào hội đồng quản trị.

Như vậy, cơ bản các nhóm cổ đông được nêu danh tính trên đang sở hữu khoảng 70% vốn điều lệ của Eximbank.

Quốc Thụy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.