|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ai Cập đẩy nhanh nỗ lực mở rộng và nâng cấp Kênh đào Suez

06:44 | 16/02/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez của Ai Cập Osama Rabie ngày 15/2 cho biết nước này đang đẩy nhanh dự án mở rộng và nâng cấp Kênh đào Suez gồm hai giai đoạn.
Ai Cập đẩy nhanh nỗ lực mở rộng và nâng cấp Kênh đào Suez - Ảnh 1.

Tàu Ever Given rời kênh đào Suez, Ai Cập ngày 7/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, phát biểu họp báo trên một tàu cuốc ngay tại công trình thi công dự án trên Kênh đào Suez, ông Rabie cho biết cụ thể trong giai đoạn I, Ai Cập sẽ kéo dài thêm 10km cho đoạn lưu thông hai chiều từ 75km lên 85km. 

Còn trong giai đoạn II, đoạn dài 30km ở phía Nam Kênh đào Suez sẽ mở rộng thêm 40m về phía bờ Đông của luồng kênh và được đào sâu thêm gần 2m. 

Dự án dự kiến được khởi công vào tháng 1 vừa qua, nhưng sau sự cố tàu container lớn nhất thế giới Ever Given mắc kẹt hồi tháng 3/2021 khiến hoạt động giao thông qua Kênh đào Suez bị tắc nghẽn gần 1 tuần, Ai Cập đã quyết định đẩy nhanh dự án này.

Theo ông Rabie, với tổng kinh phí ước khoảng 191 triệu USD, dự án sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2023 sau hai năm thi công. Sau khi dự án hoàn thành, thời gian di chuyển của tàu thuyền qua Kênh đào Suez sẽ còn khoảng 11h. 

Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez nhấn mạnh dự án mở rộng và nâng cấp Kênh đào Suez chủ yếu là nhằm nâng cao an toàn hàng hải trên tuyến đường thủy dài 190 km này.

Là tuyến đường thủy quan trọng nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ, Kênh đào Suez chiếm khoảng 10% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập. 

Trong năm 2021, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 và sự cố mắc kẹt trong 6 ngày của tàu Ever Given, Kênh đào Suez vẫn đạt doanh thu kỷ lục khoảng 6,3 tỷ USD trong năm ngoái.

Nguyễn Trường

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.