|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

ADB: Việt Nam có thể sản sinh ra 'kỳ lân' công nghệ tiếp theo ở khu vực châu Á

11:41 | 28/07/2022
Chia sẻ
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nhận định rằng với những nền tảng sẵn có của hệ sinh thái startup nói chung và ngành công nghệ nói riêng, Việt Nam có thể xuất hiện những kỳ lân công nghệ mới trong tương lai.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo về hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Báo cáo của ADB cho biết mục tiêu dài hạn được chính phủ ưu tiên là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa tham gia tạo dựng các startup thành công.

Theo ADB, khái niệm khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam còn khá mới mẻ, mới chỉ xuất hiện từ năm 2016 khi tất cả thành phần của một hệ sinh thái startup đã có sẵn. Dù không có số liệu chính thức, nhưng theo số liệu được ADB tổng hợp được, tính đến năm 2021, Việt Nam có tổng cộng 3.800 startup với 4 kỳ lân (khái niệm dùng để chỉ các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên), bao gồm VNG, VNPay, SkyMavis và MoMo.

Năm 2018, vốn đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đạt 448 triệu USD. Con số này tăng gấp đôi lên 861 triệu USD vào năm 2019. Sau đại dịch, các khoản đầu tư vào startup công nghệ tại Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 1,4 tỷ USD, theo NIC 2021.

Hệ sinh thái startup Việt tập trung vào việc phát triển các doanh nghiệp sôi động, tăng trưởng nhanh dựa trên sử dụng tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh sáng tạo. Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính phủ cùng với các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cũng giúp các startup Việt có bệ phóng để phát triển nhanh hơn.

Việt Nam hiện có dân số xấp xỉ 100 triệu người, trong đó có khoảng 70% được coi là người dùng internet với tỷ lệ sở hữu smartphone lên tới 98%. Con số này cao gấp 10 lần thập kỷ trước. Với những số liệu thống kê này, ADB đáng giá Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ tiềm năng và rộng lớn trong khu vực, tạo điều kiện mở rộng cơ hội cho các startup trong lĩnh vực công nghệ.

Theo Amway (2018), Việt Nam là quốc gia dẫn đầu toàn thế giới về khởi nghiệp và có thái độ tích cực với việc khởi nghiệp. Cụ thể, có tới 95% người tham gia khảo sát bày tỏ thái độ tích cực với tinh thần kinh doanh và quyền sở hữu.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng startup/đầu người tại Việt Nam cao hơn các nước khác như Trung Quốc (2.300), Ấn Độ (7.500) hay Indonesia (2.100).

Để so sánh giữa các startup trong lĩnh vực công nghệ với các startup trong những lĩnh vực khác, ADB đã liệt kê ra một số yếu tố như các startup dựa trên công nghệ không đòi hỏi quá nhiều vốn ban đầu, chủ yếu dựa vào những ý tưởng mới và có tính sáng tạo, có thể dễ dàng kết nối toàn cầu thông qua công nghệ và làm cho các ý tưởng có thể dễ tiếp cận hơn cũng như dễ học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới.

Số lượng các thương vụ đầu tư cho startup Việt giai đoạn 2013 - 2021. (Nguồn: ADB).

Theo số liệu được ADB thu thập, trước năm 2015, thị trường startup Việt đều ghi nhận những thương vụ có phần nhỏ lẻ. Mọi thứ chỉ bắt đầu chuyển biến tích cực từ năm 2015, thời điểm Việt Nam ghi nhận 31 thương vụ có trị giá từ 10 triệu USD trở lên.

Kể từ năm 2018, thị trường startup Việt đã hoạt động vô cùng sôi động khi số lượng thương vụ có giá trị nhỏ lẻ (dưới 10 triệu USD) đã giảm rõ rệt, trong khi những thương vụ lớn có giá trị cả chục triệu USD tăng cao. Đỉnh điểm vào năm 2018, đã có tới 89 thương vụ trị giá từ 10 triệu USD được thực hiện. Con số này vào năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 79 thương vụ, 74 thương vụ và 82 thương vụ.

Trong năm 2021, 5 lĩnh vực startup hàng đầu thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nhất tại Việt Nam bao gồm fintech (công nghệ tài chính) (26,6%), thương mại điện tử (20,3%), edtech (công nghệ giáo dục) (17,2%), healthtech (công nghệ y tế) (7,8%) và phần mềm dịch vụ (6,3%).

Ngoài ra, các lĩnh vực dựa trên nền tảng công nghệ như healtech hay agritech (công nghệ nông nghiệp) gây được sự chú ý bởi đây là các lĩnh vực có tác động tới xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam và sở hữu tiềm năng phát triển bền vững.

Tính riêng lĩnh vực công nghệ, số lượng đầu tư và nguồn vốn đầu tư cho startup Việt ngày càng tăng. (Nguồn: ADB).

Các chương trình khởi nghiệp chủ yếu được triển khai ở các thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ,… Ngoài ra, chính phủ cũng phê duyệt một số dự án hỗ trợ startup như Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp (Đề án 1665) do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, hay Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025.

Sự cải thiện của hệ sinh thái startup Việt còn đến qua số lượng nhà đầu tư. Theo ADB, mặc dù số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, nhưng đang tăng lên theo thời gian, bao gồm cả một số nhà đầu tư thiên thần lớn như Vietnam Silicon Valley Accelerator, CLAS Expara Vietnam Accelerator hay Vietnam Startup Acceleration Fund.

Cuối cùng, ADB nhận định Việt Nam đang ngày càng trở thành trung tâm khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh với những quốc gia khác trong việc tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho startup. Điều này có thể trở thành nền tảng để Việt Nam cho ra đời kỳ lân tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ tại châu Á – Thái Bình Dương.

Doanh Chính