ADB hạ dự báo tỷ lệ lạm phát của khu vực đang phát triển tại châu Á
Ngày 19/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tỷ lệ lạm phát của khu vực đang phát triển tại châu Á, trong bối cảnh giá nhiên liệu và thực phẩm đi xuống, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cải thiện và việc tăng lãi suất bắt đầu có tác động.
Trong báo cáo về triển vọng tăng trưởng năm 2023, ADB dự kiến lạm phát của khu vực các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á là 3,6%, thấp hơn so với mức dự báo 4,2% được đưa ra tháng 4 vừa qua, khi giá cả tại Trung Quốc giảm mạnh. ADB nhận định lạm phát đang “quay đầu” về mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2019.
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của khu vực đang phát triển tại châu Á ở mức 4,8%, với nhận định hoạt động đầu tư, du lịch và tiêu dùng mạnh, dù nhu cầu của thế giới đối với hàng xuất khẩu của khu vực suy yếu. Tuy nhiên, ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này năm 2024 từ 4,8% xuống 4,7%.
Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 5% trong năm 2023 và 4,5% vào năm 2024, nhờ sự hỗ trợ của các chính sách tiền tệ và tài chính.
Dự báo của ADB đối với tăng trưởng khu vực Đông Á ở mức 4,6%, không đổi so với dự báo trước đó. Trong khi đó, tăng trưởng khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh giảm từ 4,7% xuống 4,6%, do nhu cầu đối với các mặt hàng chế tạo xuất khẩu trên toàn cầu suy yếu.
ADB cho rằng nếu các nền kinh tế phát triển kiểm soát lạm phát nhanh hơn so với dự kiến hiện nay, những nước này khả năng sẽ áp dụng chính sách tiền tệ ôn hòa hơn, giúp hỗ trợ tăng trưởng của khu vực.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng cảnh báo xung đột Nga-Ukraine leo thang có nguy cơ khiến giá nhiên liệu tăng, trong khi hiện tượng El Nino trở lại năm nay có thể gây tổn hại các nền kinh tế.
Theo ADB, khu vực đang phát triển của châu Á gồm 46 nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand.