'Nếu giá xăng dầu và thực phẩm tiếp tục tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến việc giữ lạm phát ở mức 4%'
Báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đề cập đến lo ngại không giữ được mức lạm phát mục tiêu 4% đã đề ra.
Chỉ số CPI tháng 5/2022 tăng 2,86% so với cùng kỳ và 0,38% so với tháng 4/2022. Đây là mức tăng so với cùng kỳ mạnh nhất của chỉ số CPI kể từ tháng 5/2021 tới nay. Trung bình 5 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng 2,25% so với cùng kỳ.
9/11 nhóm hàng có diễn biến tăng giá so với cùng kỳ trong tháng 5 này. Theo đó, nhóm giao thông tăng cao nhất, ở mức 18,42%, góp 1,78 điểm phần trăm vào mức tăng 2,86% của chỉ số CPI. Giá xăng dầu trong nước trong tháng 5 tiếp tục ghi nhận mức tăng trên 55% so với cùng kỳ, tạo áp lực tăng lớn lên chỉ số giá nhóm giao thông.
Các chuyên gia của BVSC nhận thấy nhóm thực phẩm đã có diễn biến tăng trở lại trong tháng 5 so với cùng kỳ, sau 7 tháng giảm liên tiếp trước đó.
Nguyên nhân nhóm hàng này tăng trở lại là do chi phí vận chuyển và giá thức ăn chăn nuôi đồng loạt có diễn biến tăng. Giá thịt gà đã tăng trên 23% so với cùng kỳ, giá trứng gà cũng tăng trên 82% . Giá thịt lợn hơi trung bình trong tháng 5 mặc dù vẫn đang giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng đã tăng trên 16% từ đầu năm đến nay. Đây là nhóm hàng hóa chiếm quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI – trên 20%.
Do đó, BVSC cho rằng nếu giá xăng dầu và giá thực phẩm tiếp tục duy trì ở mức cao, đồng thời với nền thấp của giá thực phẩm trong nửa sau năm 2021, có thể sẽ có ảnh hưởng tới việc giữ mức lạm phát mục tiêu 4%.
Báo cáo cũng đề cập đến triển vọng tăng trưởng các ngành khác. Cụ thể, các chuyên gia của BVSC cho rằng tổng mức bán lẻ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tiếp theo khi đây là mùa cao điểm về du lịch. Cầu tiêu dùng trong năm 2022 cũng vẫn sẽ tăng trưởng tốt nhờ kinh tế hồi phục và sự hỗ trợ của gói giảm 2% thuế VAT kéo dài tới cuối năm.
Về sản xuất công nghiệp, BVSC đánh giá với việc mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế, số ca nhiễm mới giảm mạnh giúp cho các nhà máy có thể hoạt động tối đa công suất và hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách Zero-COVID trong thời gian tới sẽ khiến cho nhu cầu xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc chịu nhiều ảnh hưởng và kéo dài thời gian giao hàng. Yếu tố này sẽ là rủi ro cần chú ý đối với ngành sản xuất công nghiệp trong thời gian tới.
Về đầu tư công, mặc dù ghi nhận tăng trưởng trên 10%, tuy nhiên, giải ngân đầu tư công vẫn đang chậm so với tiến độ, một phần nguyên nhân do việc giá nguyên vật liệu neo ở mức cao trong khi một số cơ quan chậm hoàn thiện các thủ tục giải ngân.
Dù vậy, nếu nhìn trong quá khứ, trong năm 2020, trong 7 tháng cuối cùng của năm, lượng giải ngân đầu tư công đạt gấp 3 lần con số hoàn thành trong các tháng đầu năm. Điều này cho thấy dù dư địa còn lớn, nhưng nếu cơ chế đặc thù về chỉ định thầu và các thủ tục hồ sơ sớm được hoàn thiện trong thời gian tới, giải ngân đầu tư công vẫn có thể hoàn thành được mục tiêu trong năm nay.