|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

SSI: Chính sách 'Zero-COVID' của Trung Quốc chưa tác động lớn tới ngành sản xuất Việt Nam

10:44 | 06/06/2022
Chia sẻ
Theo SSI Research, số liệu tháng 5 phần nào thể hiện chính sách “Zero-COVID” chặt chẽ của Trung Quốc chưa tác động lớn tới ngành sản xuất của Việt Nam.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 6, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết dữ liệu vĩ mô mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực, từ sản xuất đến tiêu dùng trong khi lạm phát vẫn duy trì trong tầm kiểm soát.

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ là điểm sáng trong tháng với sự hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu, tuy có chậm lại so với tháng 4, vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

 

Hoạt động sản xuất mở rộng đà phục hồi trong tháng 5, thông qua sự cải thiện từ chỉ số sản xuất công nghiệp. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó đóng góp chủ yếu đến từ lĩnh vực chế biến chế tạo (+12,1%).

Trong các nhóm ngành cấp 2, dược (+38,3%), sản xuất trang phục (+26,8%), sản xuất điện tử (+16,8%), đồ nội thất (10,3%) và kim loại (8,3%) là những nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong tháng và cũng phần nào thể hiện chính sách “Zero-COVID” chặt chẽ của Trung Quốc chưa tác động lớn tới ngành sản xuất của Việt Nam.

Chỉ số PMI, do S&P Global công bố cũng phản ánh sự cải thiện của ngành sản xuất trong tháng 5. PMI Việt Nam tăng tốc và đạt mức cao nhất trong khu vực, nhờ sản lượng và các đơn đặt hàng mới tăng mạnh.

Trên thực tế, tác động từ việc đóng cửa của Trung Quốc tới ngành sản xuất trong khu vực ASEAN là chưa rõ ràng và thậm chí, Việt Nam còn được hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trunq Quốc. Ví dụ, Apple được cho là đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPad sang Việt Nam từ Trung Quốc, do sự gián đoạn chuỗi cung ứng. 

Một điểm sáng khác trong tháng là về giải ngân đầu tư công. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, NSNN đã giải ngân được 115.900 tỷ đồng, hoàn thành 22,4% mục tiêu của Thủ tướng, và cao hơn tốc độ giải ngân năm ngoái là 22,1%. 

 

Lạm phát và tỷ giá, mặc dù có chiều hướng không tích cực nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và giúp NHNN duy trì chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ đà hồi phục và tăng trưởng kinh tế. 

Cụ thể về lạm phát, áp lực từ giá hàng hóa lên chỉ số CPI xuất hiện nhưng nhìn chung CPI vẫn duy trì trong tầm kiểm soát. Cụ thể, CPI tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước (2,48% so với đầu năm và 2,86% so với cùng kỳ). Nhóm chi phí liên quan đến vận tải đóng góp nhiều nhất (tăng 2,34% so với tháng trước và đóng góp 0,23 điểm phần trăm vào CPI). Tuy nhiên, giá thịt lợn đi ngang và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ đã hỗ trợ cho chỉ số CPI ổn định trong thời gian qua. Nhờ vậy, lạm phát trung bình 5 tháng đầu năm đạt 2,25%, thấp hơn so với kỳ vọng của SSI Research.

Khối phân tích cho rằng tốc độ tăng chỉ số CPI ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát so với các quốc gia khác, một phần nhờ việc chủ động được nguồn cung lương thực – thực phẩm trong nước. Tuy nhiên, mức độ tăng giá tiêu dùng trong nước trên thực tế cao hơn nhiều so với số liệu CPI của Tổng cục Thống kê đưa ra và áp lực lạm phát sẽ ngày càng tăng dần trong các quý tiếp theo, với việc CPI có thể tăng vượt mức mục tiêu 4% của Chính phủ.

SSI Research nhấn mạnh dữ liệu kinh tế tháng 5 vẫn cho thấy triển vọng tích cực của Việt Nam trong năm 2022, mặc dù các rủi ro thị trường đã xuất hiện nhiều hơn. Các lĩnh vực liên quan đến thương mại là một trong những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng, mặc dù tác động vẫn còn hạn chế do xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. 

Khối phân tích duy trì triển vọng tăng trưởng GDP 6,8% cho năm 2022 và mức trên 6% trong quý II nhờ các yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng vẫn duy trì tương đối mạnh. Bên cạnh tiêu dùng, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tích cực trong thời gian tới. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ lãi suất (nếu được áp dụng sớm) cũng là một động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. 

Hồng Hà

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.