80% doanh nghiệp nhỏ và vừa “vô hình” trên mạng
Ông Matthew Heller, Giám đốc kênh bán hàng Google châu Á-Thái Bình Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Chí Thịnh |
Sáng nay (2-11), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TPHCM phối hợp cùng Google tổ chức hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?”. Các chuyên gia pháp chế, công nghệ thông tin, tiếp thị trực tuyến… đã chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Theo ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI, hiện tại phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô hoạt động nhỏ nên phải tích cực ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin nhằm đi tắt-đón đầu.
Còn theo ông Matthew Heller, Giám đốc kênh bán hàng Google khu vực châu Á-Thái Bình Dương, công nghệ di động đang làm thay đổi lối sống con người, thay đổi hành vi mua sắm, tìm kiếm thông tin… Người tiêu dùng đang tiêu tốn nhiều thời gian trên Internet, từ mua vé xem phim, đặt món ăn… đều thông qua điện thoại di động. Vì thế, doanh nghiệp cần tham gia vào môi trường số để tiếp cận người tiêu dùng, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB).
Ông Matthew Heller đưa ra ví dụ về sản phẩm “cá kho làng Vũ Đại” đã bước ra thị trường toàn cầu thông qua hình thức marketing, quảng cáo trực tuyến. Ông cho rằng doanh nghiệp SMB có khả năng tăng gấp 4 lần doanh thu nếu ứng dụng các giải pháp công nghệ số so với các doanh nghiệp khác đang sử dụng các giải pháp kinh doanh truyền thống.
“Làn sóng” ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam đang ngày càng lan rộng và tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp. Để tận dụng và khai thác thành công các giải pháp công nghệ số, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải chủ động ứng dụng công nghệ, tham gia vào môi trường kỹ thuật số với nhiều giải pháp khác nhau.
Bà Tammy Phan, Giám đốc bán hàng tại Việt Nam của Google khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng cho rằng người Việt đang dành nhiều thời gian hơn cho việc truy cập, tìm kiếm thông tin trên Internet. Việt Nam đang có 44-45 triệu người dùng Internet và dự báo sẽ có tới 82 triệu người dùng Internet vào năm 2020. Đây là điều kiện tốt để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số cho phát triển kinh doanh.
Tuy nhiên, theo bà Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp SMB tham gia kinh doanh trực tuyến, áp dụng công nghệ số, chỉ mới có khoảng 20% doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên mạng. Còn nhiều doanh nghiệp chưa có website riêng, chưa áp dụng giải pháp marketing kỹ thuật số… Điều này dẫn tới có khoảng 80% doanh nghiệp SMB đang “vô hình” đối với người dùng Internet.
Một số doanh nghiệp nêu một số lý do chưa ứng dụng công nghệ số như: e ngại vấn đề bảo mật, sợ mất mát dữ liệu, chưa quen với hình thức thanh toán trực tuyến… Một số doanh nghiệp lại quen với hình thức quảng cáo, marketing truyền thống (ví dụ như quảng cáo báo giấy, phát tờ rơi) hoặc còn e ngại chi phí đầu tư cho công nghệ số.
Trước đó, đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng Việt Nam cần phải phổ cập internet và công nghệ số mạnh mẽ hơn, vì nó giúp làm tăng năng suất. Muốn phổ cập internet cần phải làm cho dịch vụ này dễ dàng tiếp cận và có giá rẻ, cần có chiến lược mạnh mẽ hơn về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản lý nhà nước để tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công nghệ số...