|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

8 tháng đã trôi qua, chứng khoán Mỹ đang đứng đâu?

07:49 | 03/09/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ sắp trải qua một bước ngoặt lớn, thị trường tài chính được dự đoán sẽ đón nhận nhiều bất ngờ. Trước mắt, hãy cùng nhìn lại xem thị trường đang ở đâu trước thời điểm bước ngoặt đó.

 

Tượng con bò Phố Wall. (Ảnh: Bloomberg).

Phố Wall thường trở nên sôi động hơn sau lễ lao động (ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 9). Kỳ nghỉ lễ năm nay rơi vào ngày 2/9 và Wall Street Journal dự đoán khi mở cửa trở lại, thị trường sẽ náo nhiệt hơn mọi năm.

Thị trường đã bật tăng trong phần lớn thời gian qua. Và giờ đây, nền kinh tế Mỹ có thể đang đứng trước một điểm bước ngoặt.

Tâm lý phấn khích từng giúp giá cổ phiếu vọt lên mức kỷ lục đã hạ nhiệt trong vài tuần gần đây khi có những dấu hiệu đáng ngại cho thấy thị trường lao động có thể đang suy yếu.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ xem sau cuộc chiến lịch sử chống lại lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất bao nhiêu điểm phần trăm ở cuộc họp vào giữa tháng 9 tới.

Dữ liệu việc làm tháng 8 (dự kiến công bố vào cuối tuần này) có thể định hình xu hướng giao dịch trong phần còn lại của năm. Một báo cáo tích cực có thể nâng đỡ thị trường, ngược lại số liệu bi quan có thể kích hoạt những cảnh báo suy thoái mới và gây biến động kéo dài.

 

Dưới đây là tình hình cụ thể của thị trường tài chính Mỹ trước một tuần quan trọng sắp tới:

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã tăng mạnh trong năm nay. Tính từ đầu năm, S&P 500 tăng 18%, Dow Jones và Nasdaq Composite đi lên lần lượt 10% và 18%.

Đáng chú ý, S&P 500 đã xác lập 38 lần đóng cửa kỷ lục trong năm nay sau cú lao dốc vào năm ngoái.

 

Mặc dù giảm mạnh vào đầu tháng 8, giá cổ phiếu đã quay trở lại gần mức đỉnh lịch sử. Điều này khiến một số nhà phân tích lo lắng rằng thị trường sắp có một đợt điều chỉnh.

Theo Bank of America, kể từ thập niên 1930 thì cứ mỗi năm một lần, chỉ số S&P 500 lại giảm trung bình 10% trở lên. Năm nay, đợt điều chỉnh đó vẫn chưa xảy ra. Từ mức cao nhất vào tháng 7 cho đến mức đáy vào tháng 8, S&P 500 chỉ mất khoảng 8%.

 

Đợt tăng giá trong năm nay chủ yếu được dẫn dắt bởi cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ (Big Tech). Tuy nhiên, độ rộng của thị trường đã cải thiện trong những tháng gần đây.

Nhà đầu tư dần tìm đến những lĩnh vực khác, chẳng hạn như các công ty nhỏ hơn hoặc những ngành nhạy cảm với chu kỳ kinh tế hơn. Chỉ số cổ phiếu vốn hoá nhỏ Russell 2000 đã giao dịch vượt trội hơn S&PP 500 kể từ cuối tháng 6.

Song, giá cổ phiếu có vẻ đang khá đắt đỏ. Theo FactSet, cổ phiếu của các công ty trong S&P 500 đang giao dịch gấp 21 lần thu nhập dự phóng trong 12 tháng tới, cao hơn mức trung bình 10 năm là khoảng 18 lần.

Mức chênh lệch lợi suất mà các nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp thay vì trái phiếu kho bạc cho thấy mức độ lo lắng của nhiều người về nền kinh tế Mỹ.

Nỗi sợ càng lớn thì chênh lệch càng nới rộng, mục đích là để bù đắp cho rủi ro vỡ nợ cao hơn của các doanh nghiệp.

Hiện tại, các nhà đầu tư có vẻ không lo lắng mấy. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu doanh nghiệp và lợi suất trái phiếu kho bạc vẫn ở mức thấp so với trước kia.

Mức chênh lệch từng tăng cao vào năm 2022 và 2023, khi các nhà đầu tư lo lắng Fed có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái để chiến thắng lạm phát.

Gần đây, mức chênh lệch từng tăng lên sau báo cáo việc làm đáng thất vọng của tháng 7 nhưng sau đó đã đảo chiều. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư có thể đang chờ thêm một tháng dữ liệu xấu nữa trước khi bấm nút bán.

 

Lợi suất trái phiếu kho bạc ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn là một hiện tượng bất thường có tên đường cong lợi suất đảo ngược. Hiện tại, đường cong đã đảo ngược trong một khoảng thời gian kỷ lục.

Tuy nhiên, tình hình có vẻ sắp đảo chiều sau khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn giảm sâu hơn lợi suất trái phiếu dài hạn trong những tuần gần đây.

Điều đó thường xảy ra khi Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào suy thoái hoặc đang trên bờ vực suy thoái. Wall Street Journal không rõ lần này kịch bản nào đang thắng thế.

Các quan chức Fed cho biết họ dự định giảm dần lãi suất như một biện pháp phòng ngừa, dù thị trường lao động không có thêm dấu hiệu suy yếu. Kịch bản này có thể giúp đường cong lợi suất bình thường trở lại mà không có suy thoái kinh tế.

Mặt khác, dữ liệu việc làm đáng thất vọng có thể buộc Fed phải cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn và khiến lợi suất trái phiếu kho bạc ngắn hạn tụt nhanh hơn - một dấu hiệu cho thấy lịch sử có thể lặp lại.

 

Trong bối cảnh chi phí đi vay sắp giảm, người Mỹ cũng đang được hưởng lợi từ một thị trường năng lượng tương đối ổn định.

Giá khí đốt tự nhiên giao dịch ở mức khá thấp trong năm nay. Điều đó đã giúp giảm hoá đơn điều hoà không khí trong những đợt nắng nóng mùa hè cũng như hạ chi phí sản suất điện và phân bón, thép,... tại Mỹ.

Mặt khác, nhu cầu yếu hơn của Trung Quốc đã gây áp lực lên giá dầu thô. Nhờ đó, giá xăng tại Mỹ cũng giảm xuống mức thấp hơn trong mùa hè này.

Tuy nhiên, tương lai vẫn còn nhiều bất ổn. Chiến sự đang căng thẳng ở châu Âu và Trung Đông. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có thể định hình lại triển vọng thương mại toàn cầu. Liên minh OPEC+ đang cân nhắc tăng dần sản lượng từ tháng 10 tới.

 

Khả Nhân

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.