8 dự đoán về khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á
Tiềm năng phát triển game ở Đông Nam Á | |
Khởi nghiệp sáng tạo: Công nghệ mới cho những vấn đề cũ |
Năm 2017 khép lại với hàng loạt điểm nhấn, vấn đề trong mảng khởi nghiệp công nghệ: Uber chốt thương vụ "khủng" với quỹ đầu tư Softbank, các nhà sáng lập loay hoay với bài toán giải quyết nạn tin giả trên những nền tảng mạng truyền thông xã hội, bitcoin, các loại tiền thuật toán khác cùng công nghệ blockchain ngày càng trở nên phổ biến và hàng loạt các startup gọi vốn bằng tiền mã hóa (ICO) thành công...
Trong xu hướng phát triển chúng, khởi nghiệp công nghệ khu vực Đông Nam Á cũng chịu nhiều tác động toàn cầu và có những đóng góp đáng chú ý cho bức tranh toàn cảnh. Nghiên cứu mới đây của Catcha Group- quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên rót vốn vào các startup Đông Nam Á phân tích, dự đoán những cuộc cách mạng khởi nghiệp công nghệ chuẩn bị diễn ra trong khu vực, đưa ra 8 dự báo toàn cảnh tình hình startup công nghệ cho đến năm 2020.
8 dự đoán về khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á. |
1. 460 triệu người dùng Internet, huy động 10 tỷ USD tiền đầu tư công nghệ
Trong suốt 18 năm qua, lượng người dùng Internet ở khu vực Đông Nam Á liên tiếp vượt qua những quốc gia lớn như Nhật Bản, Vương quốc Anh và Nga. 2017 đánh dấu một năm quan trọng khi số người dùng Internet trong khu vực vượt qua con số tương tự ở Mỹ.
Số người dùng mạng Internet tăng sẽ tạo ra thị trường trực tuyến lớn cho các startup, thu hút đầu tư cho khởi nghiệp. Ảnh: Internet |
Tính theo tốc độ tăng trưởng hiện tại, đến cuối năm 2019, Đông Nam Á sẽ có khoảng 460 triệu người dùng mạng Internet, tạo ra thị trường online khổng lồ, góp phần thúc đẩy nguồn tiền từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
2. Xuất hiện các startup "decacorn"
Startup kỳ lân "unicorn" là các công ty được định giá trên một tỷ USD. Để được coi là "decacorn", các startup phải có giá trị tối thiểu trên 10 tỷ USD.
Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ khu vực Đông Nam Á năm 2017 có nhiều điểm giống với Trung Quốc năm 2008. Đầu tiên là số lượng người dùng mạng xấp xỉ hơn 300 triệu và tổng giá trị các công ty công nghệ lớn đạt khoảng 22 tỷ USD. Sự bùng nổ số lượng người dùng mạng năm 2019 của Đông Nam Á năm 2019 được dự đoán là 460 triệu người cũng tương đương với con số này của Trung Quốc năm 2010 (459 triệu người).
Trong hai năm tới, Đông Nam Á có thể chứng kiến những nhóm startup decacorn xuất hiện. Ảnh: Internet |
Nếu nhìn vào quốc gia tỷ dân để tham khảo, dựa vào số người dùng Internet và giá trị của các công ty công nghệ hàng đầu, Catcha dự đoán tổng giá trị của các startup hàng đầu Đông Nam Á hiện nay như Grab, Go-Jek, Razer, Tokopedia có thể đạt tới 86,5 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa trung bình mỗi công ty khởi nghiệp giá trị hơn 12 tỷ USD, tức khu vực Đông Nam Á lần đầu tiên sẽ có nhóm startup "decacorn".
3. Chỉ mất 3 năm để có một "unicorn"
Đầu những năm 2010, Tập đoàn Rocket Internet tiếp cận Đông Nam Á, mang lại nguồn vốn lớn và nhiều tài năng công nghệ cho khu vực. Cũng thời điểm đó, Amazon Web Services (AWS) bắt đầu cung cấp dịch vụ trong khu vực và giảm giá thành chi phí cho các công ty mới. Điều này tạo ra những kết quả tích cực, nhiều startup ra đời cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư đổ về đây.
Thời gian để các công ty khởi nghiệp đạt định giá một tỷ USD ngày càng được thu ngắn lại. Trong tương lai, một startup unicorn có thể chỉ mất ba năm. Ảnh: Internet |
Trong bối cảnh mới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ở khu vực, nguồn vốn ban đầu được phân bổ khá tốt. Tuy vậy, khoản tiền đầu tư ngày càng được dồn vào cho những startup chứng minh được giá trị trên thị trường. Năm 2017, 90% nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân chỉ đổ vào 4% các thương vụ.
Thời gian để các công ty công nghệ đạt được giá trị lớn ngày càng được rút ngắn lại. Nếu ngày trước, iProperty mất 10 năm để được định giá 500 triệu USD thì giờ đây trung bình một startup kỳ lân chỉ mất khoảng 4,7 năm. Với sự hỗ trợ của dòng vốn dồi dào, các nhân tài công nghệ và cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, trong tương lai, các startup được dự báo sẽ chỉ cần ba năm để đạt được giá trị một tỷ USD.
4. Tập đoàn Trung Quốc vẫn là nguồn cung tài chính lớn nhất
Trong một vài năm trở lại đây, nhiều công ty phương Tây bày tỏ sự quan tâm và muốn mở rộng quan hệ đối tác, đầu tư vào Đông Nam Á. Tuy vậy, các tập đoàn Trung Quốc vẫn giữ vai trò chủ đạo và dần trở thành nhà đầu tư lớn nhất cho các startup công nghệ trong khu vực.
Với dòng tiền lớn và mối quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Trung Quốc vẫn sẽ giữ vững vị trí là "túi tiền" cho các startup trong khu vực. Ảnh: Internet |
Trong năm 2017, các "ông lớn" Trung Quốc đã chốt xong ba thương vụ đầu tư lớn nhất khu vực, đầu tư tổng cộng 4,3 tỷ USD chỉ riêng cho số hợp đồng nói trên. Trong tương lai, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì vị thế là nguồn cung tài chính lớn nhất cho các khoản rót vốn startup công nghệ.
5. Ít nhất hai thương vụ IPO
Các thương vụ thoái vốn lớn nhất Đông Nam Á đến từ những lần mua bán và sáp nhập (M&A). Tuy vậy, 2017 là một năm quan trọng cho các công ty công nghệ trong khu vực niêm yết trên sàn chứng khoán. Sea Group đã niêm yết trên sàn chứng khoán New York với định giá 4,9 tỷ USD trong khi Razer niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong với 4,4 tỷ USD.
Đến năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp có thể chứng kiến ngày càng nhiều các startup công nghệ IPO thành công. Ảnh: Internet |
Lần đầu tiên trong lịch sử, hai công ty công nghệ Đông Nam Á niêm yết thành công với giá trị hàng tỷ đôla. Tuy vậy còn hơn sớm để đánh giá mức độ hiệu quả của các công ty này trên thị trường nhưng các ví dụ điển hình như thế này sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào các phi vụ IPO trong tương lai. Trong vòng 24 tháng tới, tối thiếu hai startup công nghệ tiềm năng nữa cũng sẽ niêm yết thành công trên các sàn chứng khoán.
6. Tăng các phi vụ mua bán sáp nhập giữa các startup
Khi các công ty công nghệ lớn trong khu vực ngày càng gọi được nguồn vốn khủng, sự kỳ vọng tăng trưởng của các nhà đầu tư cũng tăng theo. Mức tăng trưởng tự nhiên dần dần sẽ không còn làm hài lòng những người trong cuộc.
Vì vậy, các startup cần chủ động đẩy mạnh quá trình phát triển bằng cách tăng các thương vụ mua bán và sáp nhập để thu hút người dùng và nhanh chóng sở hữu công nghệ, cơ sở hạ tầng mới. Cụ thể, Grab và Go-Jek mua lại các công ty lĩnh vực thanh toán để tích hợp luôn chức năng này trên nền tảng công nghệ sẵn có của mình.
Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, các startup cần tích cực M&A trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Ảnh: Internet |
Với một danh sách dài các startup tiềm năng, chất lượng cao, nhiều startup hơn nữa sẽ thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập để phát triển, gia tăng về quy mô, kích cỡ, thị trường. "Cá lớn nuốt cá bé", "hợp tác đôi ba bên cùng có lợi"...là những điều thường xuyên xảy ra trong văn hóa, nguyên tắc kinh doanh ở Mỹ và Trung Quốc. Theo xu hướng này, sắp tới Đông Nam Á cũng có thể làm tương tự.
7. Các chính phủ Đông Nam Á sẽ đầu tư ít nhất một tỷ USD vào khởi nghiệp
Với sự bùng nổ của khởi nghiệp công nghệ, các chính phủ và kể cả những tập đoàn không hoạt động trong mảng công nghệ đều đang tham gia tích cực vào hệ sinh thái để tăng sự hiện diện, liên quan và kết nối với cộng đồng startup trong thời đại kinh tế số.
Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng thể hiện sự quan tâm đối với hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, đặc biệt là Malaysia và Singapore. Ảnh: Internet |
Chính phủ Malaysia và Singapore đi đầu phong trào tham gia tích cực, hiệu quả vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và khuyến khích để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Từ giờ đến năm 2020, các chính phủ và tập đoàn trong khu vực có thể đầu tư đến một tỷ USD vào toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp.
8. Một quốc gia Đông Nam Á có thể phát hành tiền thuật toán
Nhìn dưới góc độ các chính phủ, tiền thuật toán có thể đóng vai trò như một giải pháp trong việc tiến tới xây dựng các xã hội, nền kinh tế không còn sử dụng tiền mặt. Với sự quan tâm mạnh mẽ từ công chúng đối với các loại tiền mã hóa thời gian qua cũng như sự gia tăng chóng mặt của loại tiền này, các chính phủ không thể làm ngơ mà buộc phải dần dần tìm hiểu, thích nghi, học hỏi cũng như sớm ra các chính sách phù hợp.
Với sự bùng nổ của các loại tiền thuật toán và tính tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, các chính phủ sẽ không thể làm lơ hiện tượng này cũng như sẽ sớm phải ban hành các chính sách quản lý phù hợp. Ảnh: Internet |
Đối với khu vực Đông Nam Á, chắc sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi có một hoặc hai chính phủ thực hiện bước đi táo bạo như chấp nhận tiền kỹ thuật số trong thanh toán chính thức và rộng rãi hoặc phát hành một loại tiền riêng.